Nhiều người từng quen biết và hiểu tính cách của Nguyễn Đông Hải vẫn gọi ông bằng cái biệt danh ấy.

Ở vào tuổi gần tám mươi nhưng hình như ông chưa có ý định về… già. Hai năm trước nhà văn Sương Nguyệt Minh và tôi có việc phải gặp ông, chúng tôi cùng có nhận xét như vậy. Hồi đó, vì ít thời gian nên chúng tôi chưa kịp hỏi ông bí quyết nào khiến ông giữ được sự trẻ trung cả phần hồn lẫn phần xác như vậy. Loại mới ngoài ngũ tuần như chúng tôi còn khướt mới theo kịp ông! Chỉ riêng chuyện đó đã đáng là một kỳ lạ. Bởi giữ được phong độ như vậy khó lắm, nhất lại trong hoàn cảnh của ông, khổ cực, đói khát, lang bạt kỳ hồ nên vất vả từ bé. Cụ thể ông phải “vong quốc” sang Campuchia khi còn để chỏm và may nhờ có bà chị Nguyễn Thị Bình, sau này là nguyên Phó chủ tịch nước, tần tảo, tháo vát thay mẹ nuôi nấng mà không bị chết đói. Mười một tuổi, ông bắt đầu chính thức tham gia cách mạng trong vai trò liên lạc viên, sau này được công nhận là chiến sĩ Tiền khởi nghĩa. Rồi thì lăn lộn, bươn chải, ra sống vào chết, nếm đủ ngọt bùi, cay đắng để cuối cùng cũng vượt qua được tất cả mọi gian nan, về an hưởng tuổi già mà lòng vẫn không vơi đi những ưu tư thời cuộc.

Tôi nhớ lần ấy, khi đi lấy tài liệu để dựng lại một phần chân dung của cụ Nguyễn Văn Biên, Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bây giờ, trong câu chuyện với anh Nguyễn Văn Trung, con trai út cụ Biên, vô tình chúng tôi động chạm tới ngọn lửa đang là chủ đề của bài viết này. Anh Trung bảo, bố anh, tức cụ Biên, là người đưa ra ý tưởng và trực tiếp duyệt logo cho ngành Dầu khí nước nhà. Trong ba bản phác thảo mà anh Trung cho tôi xem, thì thấy một cái ngọn lửa màu vàng, một cái là ngọn lửa màu đỏ, cái cuối cùng ngọn lửa cũng màu đỏ nhưng đóng trong khung. Cụ Biên đã chọn phác thảo thứ hai vì cho rằng nó cháy tự do nhất, tức là đẹp nhất. Chính là ngọn lửa hiện đang là biểu tượng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.


Ông Nguyễn Đông Hải (Ảnh: Văn Dũng).

Tôi nhớ là hôm đó đã hỏi anh Trung, có biết ai là người đưa ra những bản phác thảo ấy, thì anh trả lời, nguyên văn: “Đó là chú Nguyễn Đông Hải, có thời gian anh nên gặp chú Hải, cũng thú vị lắm”. Tôi thầm nhủ, nhất định phải gặp được ông tác giả tên là Hải nào đó. Nhưng vì công việc cứ cuốn đi nên tôi chưa thực hiện ngay được dự định ấy. Nói thật cũng có cả sự ngại ngùng. Vì tôi nghe nói, ông Hải rất khó gần chứ chưa nói đến trò chuyện. Cho đến khi tôi bắt buộc phải gặp ông như đã kể, thì tôi nhận ra ngay mình đã sai khi chỉ nghe đồn đại mà không xác minh trực tiếp. Ông không giống tí gì với hình dung của tôi phải là người đường bệ, quan cách, lạnh lùng, nói và cười đều nửa miệng. Hóa ra ông cực kỳ cởi mở, thân thiện và… nhẹ vía! Nhưng mà đúng là ngang. Ngang từ ngay giọng nói. Thực ra, tạng người như ông, lại là con cháu cụ Phan Chu Trinh, lại là dân xứ Quảng mà không ngang ngạnh mới là lạ! Nhưng sự ngang ngạnh của ông thuộc về những phẩm chất đáng quý mà một người đàn ông nên có. Nói chính xác thì ông là người chính trực, khí khái, có máu trượng phu. Mà người như vậy làm sao chịu nổi phải sống khác mình, phải nói những điều mình không nghĩ. Ông lại là người ghét thói gian dối. Nghe những lời nói thẳng thường khó lọt tai. Chỉ đơn giản vậy thôi và đó là nguyên nhân khiến một số người không thích ông. Đã không ưa thì khó mà nghĩ tốt, nghĩ đúng được về nhau, cũng là lẽ thường ở đời.

Gặp Nguyễn Đông Hải, tôi không thấy có một nét nào thay đổi trên gương mặt đặc trưng vùng đất Quảng của ông. Vẫn bước đi thoăn thoắt, hay đùa nhưng chính xác với lời hẹn đến từng phút. Vẫn những câu nói hóm hỉnh cùng với nụ cười có khả năng xóa đi ở người khác mọi khoảng cách. Tôi vào đề luôn:

- Lại có việc quấy bác đây! Lần này là xung quanh cái ngọn lửa hình chữ V mà bác bảo của bác, nhưng lại có người cũng nhận là của họ.

Xin bác cho một cái khẳng định có phải của bác không? Những chuyện khác, xin bố già Tiền khởi nghĩa miễn cho.

- Cái thằng này, lúc nào mày cũng ra lệnh cho anh thế à?

Nguyên bản tác phẩm "Ngọn lửa" của Nguyễn Đông Hải (kèm vào lời thuyết trình).

Tuy nói vậy nhưng ông lại cười rất to và chuẩn bị những thứ để minh họa cho câu chuyện mà ông biết sẽ phải kể với tôi. Đầu tiên là một loạt danh thiếp của các đối tác mà ông có dịp gặp, phù hiệu của một vài hãng dầu lửa đã dẫn dắt ông nghĩ đến cái logo cho Dầu khí Việt Nam. Ông cho tôi thấy không phải đến khi làm dầu khí mới sáng tác biểu trưng bằng cách chìa ra phù hiệu của Trường đại học Bách khoa; rồi là tờ nội san Dầu khí năm 1973, trước khi Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt ra đời hai năm. Chưa hết, ông còn lục lọi lôi ra hàng xấp giấy tờ khác, loằng ngoằng những hình vẽ phác thảo và cuối cùng mới là bảo bối chỉ Nguyễn Đông Hải còn giữ. Đó là phác thảo hình ngọn lửa, bản gốc, có chứng nhận “bản quyền” của thủ trưởng Nguyễn Văn Biên và những người có liên quan, cách đây đã 36 năm. Trong thời gian ông chuẩn bị tư liệu thì tôi cứ ngồi uống rượu và ngắm ông, hỏi bâng quơ những chuyện trên trời dưới bể. Tôi tưởng ông không để tâm. Nhưng hóa ra chẳng chuyện gì lọt khỏi tai ông. Ông nghe hết và sẵn sàng cho ý kiến. Đó cũng là nét đặc biệt mang tên Nguyễn Đông Hải.

- Nào, ta vào việc nhé. Chỉ đúng cái việc ông muốn. Mình nói để ông hiểu cái duyên do mình bập vào vụ biểu tượng. Đây, ông xem cái phù hiệu của Trường đại học Bách khoa đi. Tác giả thể hiện là ông Trần Hữu Quế, trước sau mình vẫn nói như vậy nhưng ý tưởng thì có một phần của mình. Cái bánh xe thì ai cũng hiểu. Còn cái compa, mình muốn tượng trưng cho sự chính xác. Bách khoa liên quan đến những thứ đòi hỏi sự chính xác cao. Còn đây là tờ Nội san Dầu khí, mình thiết kế cái bìa. Để có cái hình này, mình phải vẽ ba bốn phác thảo, chúng còn cả đây, trông có thô sơ không. Nhưng ngày đó chỉ có thế thôi…

Thuyết minh của Nguyễn Đông Hải về biểu tượng ngọn lửa và bút tích chứng thực của ông Nguyễn Văn Biên (Tổng cục trưởng) và ông Lê Quốc Tuân (Chánh văn phòng) Tổng cục Dầu khí Việt Nam.

Trong khi tôi lật giở xem từng thứ thì Nguyễn Đông Hải tiếp tục tìm kiếm gì đó trong kho tư liệu của ông. Chờ tôi ngẩng lên, ông mới nói tiếp:

- Bây giờ đến vụ ngọn lửa. Nguyên do bắt nguồn từ cuộc gặp của bọn mình với Công ty Dầu khí Agip. Trên góc trái của tờ danh thiếp mà bây giờ ta hay gọi là cardvisit, có hình con chó sáu chân đang ngoái cổ phun lửa, trông rất lạ nhưng cực kỳ ấn tượng. Nhìn là bị thu hút ngay và sau đó thì khó mà quên. Mình tò mò hỏi tại sao chó lại có 6 chân, ông người Ý giải thích rằng, khi Công ty Agip tổ chức cuộc thi mẫu biểu tượng thì họ nhận được bản thiết kế trên của một cậu bé. Cậu bé này vẽ con chó có sáu chân, miệng phun ra lửa. Ngọn lửa do con chó phun ra thì ai cũng hiểu, nó tượng trưng cho năng lượng. Nhưng còn 6 chân của con chó thì lạ quá. Mọi người hỏi tại sao chó chỉ có 4 chân, trong khi nó lại vẽ tới 6 chân? Thằng bé giải thích rằng, chó 6 chân chắc chắn sẽ đi nhanh hơn chó 4 chân! Một ý nghĩ thật hồn nhiên và ngộ nghĩnh.

Không ngờ nó đã thuyết phục được ông chủ tịch của hãng. Thế là Hãng Agip, một hãng dầu lửa nổi tiếng thế giới có biểu tượng là con chó 6 chân. Hình con chó 6 chân, miệng phun lửa nhanh chóng có mặt khắp nơi. Chuyện là như vậy. Trở về, cứ mân mê tờ danh thiếp trên tay, mình bảo với ông Nguyễn Văn Biên, khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, là giá như mình cũng có một logo mang dấu ấn của dầu mỏ và khí đốt Việt Nam thì hay biết mấy?

Cụ Biên cũng xem đi xem lại tờ danh thiếp và gật gù bảo: “Phải, nên có, các cậu nghĩ đi nhé”. Thế là mình tư vấn để Tổng cục phát động cuộc thi thiết kế logo. Một cuộc thi không chính thức. Đúng ra thì mọi người truyền tai nhau ý muốn của Tổng cục. Tuy vậy, sau đó cũng có một số mẫu logo được gửi đến, trao tay nhau để lấy ý kiến. Phần lớn các mẫu thiên về hình tượng giàn khoan, tháp khoan. Riêng mẫu vẽ ngọn lửa mình nhớ chỉ có vài ba cái. Mà cũng mỗi cái thể hiện một kiểu. Cái thì ba nhánh lửa tõe ra như tòa sen, cái thì lại chụm vào như hình búp sen. Mẫu ngọn lửa hai nhánh màu đỏ, hình chữ V mềm mại, gần giống với mẫu của mình, cũng có đôi ba cái. Nhưng khi duyệt thì Tổng cục chọn mẫu của mình. Mình đã có hẳn cả một bản thuyết minh, kèm theo là hình ngọn lửa, một thấp một cao. Đại loại mình giải thích ý tưởng của mình thế này: Hình ngọn lửa là chữ V cách điệu, vừa là chữ đầu của tên Việt Nam, vừa là chữ đầu của từ Victory (tiếng Anh) Victoire (tiếng Pháp) đều có nghĩa là chiến thắng; khoảng giữa hai nhánh ngọn lửa là hình của nước Việt Nam cách điệu, mình định sẽ dùng màu vàng làm nổi hẳn lên.

Phía bên dưới là chữ PETROVIETNAM, sao cho chữ V ôm vào chân ngọn lửa, tượng trưng cho hai bàn tay nâng đỡ (hồn thiêng Việt Nam). (Ông dừng lại giải thích thêm: Nhiều người coi đó là chữ đầu của tên Việt Nam là không đúng ý của tác giả). Tất cả được đặt trên nền của màu xanh nước biển, tượng trưng cho đại dương bởi vì dầu mỏ của ta chủ yếu ngoài biển. Phải nói một cách sòng phẳng rằng, mình đưa ra ý tưởng như vậy, phác thảo hình sơ bộ còn thể hiện nó hoàn chỉnh, tô màu là do mình nhờ người khác. Vì thế hình logo như hiện nay, có công lao của nhiều người, kể cả của cụ Nguyễn Văn Biên mặc dù cụ chỉ là người duyệt. Nhưng hồn cốt, bản phác thảo hoàn chỉnh đầu tiên là của Nguyễn Đông Hải này. Trước sau mình vẫn nói như vậy. Nếu mình nhớ không lầm thì nó chính thức ra mắt rộng rãi lần đầu vào tháng 11-1975, trên trang bìa tập Thông tin cổ động của Phòng Thông tin và Tư liệu Dầu khí, do ông Đào Duy Chữ phụ trách.

- Nhưng cũng có người bảo, ý tưởng ngọn lửa hai nhánh là của họ? – Tôi hỏi: Bác định cãi họ thế nào?

- Thì mình có bảo mình độc quyền hình ảnh đó đâu. Nhiều người có phác thảo ấy. Chỉ khác nhau là cái phác thảo của mình được chấp nhận và thành… biểu tượng. Chỉ khác thế thôi.

- Nhưng so cái hình vẽ làm biểu tượng hiện tại ngành Dầu khí đang dùng với bản gốc của bác, thì cũng có chỗ khác nhau, bác có nhận ra không?

- Khó gì mà không nhận ra. Nguyên bản của mình thì cái hình nước Việt Nam giữa hai ngọn lửa rất rõ, ai cũng dễ dàng thấy ngay khi nhìn vào. Còn hiện tại thì nó bị cách điệu quá xa, giống như hình con cá nhiều hơn, lại không tô màu vàng cho nên nhiều người không nhận ra đó là dải đất hình chữ S. Cái nền ban đầu của mình màu xanh nước biển, còn cái nền bây giờ là màu xanh cửu long, theo mình đậm quá. Ngoài ra cái khoảng cách giữa hai nhánh ngọn lửa của bản gốc cũng rộng hơn…

- Bác nghĩ gì về điều đó?

- Tất nhiên, nếu giữ được như ý ban đầu của mình thì vẫn thích hơn. Nhưng thôi, cái gì cũng phải có sự phát triển. Và có cái lý của nó. Ngẫm kỹ cũng thấy nên mừng. Vậy là hình ảnh cái biểu tượng ấy vừa là của mình, vừa là của ngành Dầu khí và của mọi người dân Việt.

Phù hiệu của Công ty Dầu khí Sonatrach (Algerie), thêm gợi ý cho Nguyễn Đông Hải.

Vậy là rõ rồi. Tôi đã toan dừng bài viết ở đây vì nó hội đủ điều kiện cho một cái kết thúc đẹp. Nhưng điều ông Hải nói khiến tôi nhớ tới logo hai vòng tròn hình en-líp (tượng trưng cho sự phát triển không ngừng) của hãng xe Nhật Bản nổi tiếng toàn cầu với cái tên Toyota. Mọi người sẽ còn thắc mắc về cái tên kỳ lạ đó xuất phát từ đâu và có ý nghĩa gì. Xin trả lời ngay: Nó hoàn toàn bí ẩn và chỉ riêng từ Toyota không nói nên ý nghĩa gì cả (hoặc vĩnh viễn không ai biết).

Nguyên do thế này. Tên của ông chủ hãng là Toyoda. Trong cuộc thi thiết kế biểu trưng do hãng tổ chức, có tới 17.000 bản phác thảo gửi về, phần lớn hàng chữ viết bên dưới hình vẽ là tên ông chủ, tức Toyoda. Nhưng có một bản vẽ hai hình en-líp lồng nhau, bên dưới là dòng chữ Toyota (không biết do tác giả viết nhầm tên ông chủ tịch hay cố ý). Chỉ khác nhau chữ T và chữ D. Nhưng ông chủ hãng đã lựa chọn phác thảo đó. Trong những lý do đưa ra cho quyết định ấy, ngoài ý nghĩa của hai hình en-líp lồng nhau như đã nói, có cả lý do chữ Toyota viết theo tiếng Nhật chỉ có 8 nét, trong khi Toyoda phải dùng tới 9 nét. Người Nhật mê số 8, chưa kể khi đọc lên thì Toyota cũng thuận miệng hơn. Huyền thoại bắt đầu từ sự kiện ấy hay ngược lại, từ sự kiện ấy mà Toyota trở thành hãng ôtô huyền thoại? Không bao giờ có câu trả lời chính xác. Nhưng sự thật này thì có thể kiểm chứng: Nếu hãng xe Nhật Bản không chinh phục cả thế giới bằng chất lượng và sự tiện dụng của hàng trăm triệu chiếc ôtô, thì chắc chắn cái logo bí ẩn ấy không bao giờ được biết nhiều đến thế để trở thành một phần hình ảnh của nước Nhật hiện đại.

Và từ lâu chẳng còn ai quan tâm hỏi xem tác giả của cái logo ấy là ai, mà chỉ biết nó là Nhật Bản.

Hà Nội tháng 4-2011

  • Tạ Duy Anh (Theo Petrotimes)