- Thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ, với PGS. TS Trần Ngọc Lương - GĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều này không nằm ngoại lệ. Ông bảo chỗ dựa tinh thần giúp ông cân bằng cuộc sống chính là người bạn đời của mình.


Clip 1: PGS.TS Ngọc Lương nói về tai nạn nghề nghiệp, về đời sống

Clip 2: PGS. TS Ngọc Lương tiết lộ về vợ và các con.

Xem toàn bộ phần trò chuyện của bác sĩ Lương

Nhà báo Kiên Trung: Một ngày làm việc của ông bắt đầu như thế nào?

PGS T.S Trần Ngọc Lương: Tôi ra khỏi nhà vào 6h sáng, ăn sáng và đến bệnh viện bắt đầu khám bệnh vào 6h45’. Thông thường tôi mổ vào buổi sáng và họp cơ quan hoặc họp trên Bộ Y tế vào buổi chiều. Sau khi hoàn thành hết việc và về nhà, trời cũng đã tối.

Ngày làm việc của ông luôn bận rộn, vậy khi nào là thời điểm ông được quây quần bên gia đình?

- Tôi thấy các y bác sĩ thường về muộn, nhất là những người làm thầy thuốc kiêm quản lý hoạt động bệnh viện như tôi. Bệnh viện tôi công tác có 800 nhân viên, mỗi ngày khám cho 2000 bệnh nhân. Hơn nữa, bệnh viện tự chủ về tài chính, không nhận kinh phí từ nhà nước nên có rất nhiều việc phải lo toan khiến thời gian bên gia đình bị rút ngắn.

Áp lực của bác sĩ phẫu thuật và áp lực của người quản lý có gì khác nhau, thưa ông?

- Mỗi việc có một áp lực riêng. Về chuyên môn, tay nghề bác sĩ liên quan trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Về quản lý, tôi phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của bệnh viện về cả khám chữa bệnh và y tế cộng đồng. 
Đã bao giờ ông gặp phải tai nạn nghề nghiệp? Trường hợp nào ông trực tiếp mổ để lại nhiều dấu ấn nhất?

- Tôi đã từng gặp nhiều năm về trước khi có những việc xảy ra ngoài dự tính và hoàn toàn không lường trước được. Các bác sĩ không ai hoàn hảo nên tai nạn nghề nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Đôi khi có những trường hợp rất khó cho bác sĩ. Mặc dù đã được đánh giá trước mổ bằng siêu âm, chụp cắt lớp, khám lâm sàng, nghĩ rằng không thể thực hiện được nhưng còn nước còn tát, tôi vẫn cố thực hiện cho một bệnh nhân trẻ tuổi. Tôi thực hiện mổ theo phán đoán và kỹ thuật riêng của mình và kết quả rất thành công.

Đã bao giờ ông lo sợ vì đưa ra quyết định sai trong quá trình mổ khiến bệnh nhân tử vong và bị người nhà bệnh nhân trả thù?

- Quá trình mổ luôn khó khăn và đòi hỏi rất nhiều điều ở người phẫu thuật. Với những bác sĩ già có nhiều kinh nghiệm, tôi biết khi nào nên dừng, khi nào tiếp tục. Trong khi mổ, không bác sĩ nào có thời gian nghĩ đến việc lỡ có chuyện gì với bệnh nhân sẽ bị người nhà trả thù mà chỉ tập trung phẫu thuật.

Trước khi mổ, đặc biệt với những ca khó, tôi đã để bệnh nhân ký cam kết và giải thích tất cả những rủi ro có thể xảy ra với người nhà. Tôi tin bệnh nhân và người nhà tin tưởng vào tay nghề và y đức của tôi. Nếu có gì không may xảy ra, điều đó hoàn toàn nằm ngoài ý muốn.

Với trường hợp các bác sĩ gặp tai nạn nghề nghiệp dẫn đến tử vong cho bệnh nhân và bị người nhà bệnh nhân kéo đến đập phá, ông có chia sẻ gì?

- Tai nạn nghề nghiệp là điều dù không mong muốn vẫn sẽ có lúc không tránh khỏi. Đặc biệt là trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ thường rất khó cứu chữa. Cũng có trường hợp tiểu phẫu sản khoa, người bệnh đến khám khỏe mạnh bình thường nhưng trong quá trình sinh nở bệnh nhân bị tử vong khiến người nhà quá sốc.

Nếu bác sĩ giải thích lý do rõ ràng và thật tâm chia sẻ nỗi mất mát với người nhà bệnh nhân, tôi tin gia đình sẽ thông cảm. Còn trường hợp bác sĩ không đưa ra được lời giải thích cụ thể hoặc đổ lỗi cho các yếu tố khác, quả thực rất khó để người nhà bệnh nhân giữ được bình tĩnh. Tất nhiên trình độ hiểu biết của gia đình người bệnh cũng rất quan trọng.

Những bệnh nhân từng được bác sĩ trực tiếp phẫu thuật thành công chia sẻ “Bác sĩ Trần Ngọc Lương đúng là lương y như từ mẫu”. Với tâm huyết và công sức ông đã bỏ ra, ông kỳ vọng gì ở ngành y nói chung và Bệnh viện Nội tiết Trung ương nói riêng?

- Mỗi y bác sĩ chúng tôi đều mong muốn bản thân ngày càng giỏi để có thể cứu chữa cho tất cả các bệnh nhân. Với trang thiết bị hiện đại và những kỹ thuật mới, việc khám chữa bệnh hiện này đã dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn những căn bệnh chưa thể chữa trị dứt điểm chỉ có thể kéo dài tính mạng cho bệnh nhân. Bởi vậy điều tôi ấp ủ bấy lâu là chữa được hết bệnh cho tất cả các bệnh nhân để họ hoàn toàn khỏe mạnh trở lại với gia đình và xã hội.

Một mình ngành y không thể làm hết tất cả. Việc khám chữa bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các cơ quan chức năng và nhiều ngành khác trong xã hội. Tất cả phải cùng vào cuộc mới có thể đẩy lùi được bệnh tật và nâng cao sức khỏe cho người dân. Điển hình là dịch sốt xuất huyết vừa rồi.

Tôi cũng mong bệnh nhân và xã hội thông cảm cho ngành y và các bác sĩ. Chúng tôi luôn muốn hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Khi nhận được sự chia sẻ và ủng hộ từ người dân, chúng tôi tin mình sẽ còn làm tốt hơn nữa.

Bác sĩ và vợ cùng công tác trong ngành y. Hai vợ chồng có thường xuyên chia sẻ về công việc cũng như chuyên môn với nhau?

- Hai vợ chồng cùng ngành y khiến vợ dễ thông cảm và chia sẻ với tôi. Mỗi khi tôi về muộn hoặc gặp trường hợp không may dẫn đến tử vong cho bệnh nhân, tôi luôn có gia đình bên cạnh động viên và tiếp thêm sức mạnh.

Nếu các con muốn theo nghề y giống cha, ông có đồng ý?

- Có rất nhiều bác sĩ giỏi không muốn cho con theo nghề y vì quá vất vả và áp lực. Thời gian học tập lâu hơn sinh viên các trường khác, có khi phải học đến 9 năm. Hơn nữa, thu nhập của nghề y so với nhiều ngành khác cũng không phải quá cao nên nhiều người ngại vào ngành y là vì thế.

Hậu phương vững chắc đã giúp đỡ, ủng hộ ông như thế nào?

- Về mặt thời gian, mặc dù thường xuyên đi sớm về muộn nhưng không ai trách mắng mà luôn thông cảm cho tôi. Về đến nhà, mọi thứ cơm nước, quần áo đều đã được vợ tôi chuẩn bị tươm tất. Mọi công việc gia đình tôi đều hoàn toàn yên tâm khi có vợ đứng ra lo liệu.

Với cường độ làm việc cao như vậy, có bao giờ ông tự dành cho bản thân thời gian xả hơi?

- Trong suốt mấy chục năm làm nghề y, tôi chưa từng nghỉ phép dù chỉ một ngày. Công việc của tôi cả về chuyên môn lẫn quản lý bị cuốn vào không dứt ra được. Thậm chí thứ bảy, chủ nhật tôi vẫn phải lo liệu nhiều việc cho bệnh viện. Những việc lớn của gia đình, họ hàng tôi không thể bỏ vẫn cố gắng sắp xếp tranh thủ thời gian sao cho cân bằng được cả việc công và việc tư.

Cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

Kiên Trung - Sơn Hà - Xuân Quý - Huy Phúc