- Hơn nửa đời người sống bằng nghề sông nước, cuộc sống của vợ chồng ông Ba Chúc đến giờ vẫn còn nhiều khó khăn. Mấy năm nay, khi vợ bị bệnh tiểu đường sức khỏe suy giảm, gánh nặng trên vai ông Ba Chúc thêm chồng chất.
Phần 1:Ly kỳ chuyện người đàn ông 40 năm vớt xác trên sông Sài Gòn
Clip 2: Vợ chồng ông Ba Chúc nói về cuộc sống khó khăn và bệnh tật.
Xem toàn bộ phần 2 cuộc trò chuyện với vợ chồng ông Ba Chúc.
Nhà báo Quỳnh Loan: 19 tuổi chú lập gia đình với người vợ cũng gắn bó với sông nước. Đây hẳn là điều may mắn vì cô sẽ dễ dàng thông cảm, thấu hiểu công việc của chồng hơn?
Ông Ba Chúc: Tôi gặp vợ năm 19 tuổi, thương rồi cưới nhau được sự đồng ý của gia đình. Hai vợ chồng sống với nhau từ đó đến bây giờ. Nói thẳng ra, công việc tôi làm bây giờ hồi xưa mới cưới, vợ sợ lắm.
Tôi khuyên bà xã: "Thôi em ạ, số con người ta chết như vậy, mình rộng lòng cứu vớt lên bờ''. Nói vậy chứ, đôi khi vợ bảo "hôm nay ông đi vớt xác đi chỗ khác mà ngủ". Tôi trả lời, người sống không sợ, sợ người chết làm gì. Người chết cũng có linh hồn, cứ xin người ta để tôi làm việc đưa lên bờ. Thời gian sau, hai vợ chồng đi làm với nhau, gặp nhiều xác, bà ấy cũng đồng lòng phụ với tôi.
Nếu biết trước chồng mình “nặng nợ” kéo xác, liệu cô có gật đầu đồng ý làm vợ chú?
Bà Nguyễn Thị Hinh, vợ ông Ba Chúc: Quen nhau lúc đó tôi mới 18 tuổi, khờ lắm. Nói chuyện vài lần, cha mẹ bàn chuyện làm đám cưới. Hai vợ chồng được cho ra ở riêng với một chiếc ghe. Lúc đó tôi không biết ông ấy theo cha làm công việc này đâu. Lần đầu tiên tôi thấy ông ấy cứu một người nhảy cầu, cứu lên không thấy sợ. Còn vớt xác tôi sợ lắm. Sinh con ra, con nhỏ thấy ông vớt xác tôi cũng sợ hơi người chết làm con mình bị bệnh. Nhưng trời thương, con cái không bệnh gì.
Sau này vớt nhiều xác hơn, tôi cũng quen, con cũng quen không sợ nữa. Tôi phải công nhận ông nhà gan, bạo dạn lắm, không sợ điều gì. Nhưng việc hô hấp nhân tạo ông ấy làm không bằng tôi đâu. Vì khi người tự tử, vớt lên nếu không biết cách làm nước ộc ra người đó sẽ thiệt mạng.
5 đứa con ra đời, sống chen chúc trên thuyền trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Cô chú đã xoay sở trước cuộc sống khó khăn và chuyện học hành của con ra sao?
Bà Nguyễn Thị Hinh: Hồi xưa hai vợ chồng lấy nhau ra riêng chẳng có gì, gia đình hai bên cũng nghèo. Sinh năm đứa con hai vợ chồng lăn lộn. Ai bán gì cũng mua rồi đem ra chợ bán lại. Ngày qua ngày con cái chúng cũng lớn. Nói thật hồi đó rất cực, ăn toàn bo bo với bột mì nên bây giờ khổ cũng chẳng sao vì con cái lớn rồi. Chuyện học hành vợ chồng chúng tôi cho chúng đi lớp học tình thương, nhưng chưa hết cấp hai chúng nghỉ. Tôi buồn lắm, mình nghèo nên không lo được cho con học đến nơi đến chốn nên giờ con cũng khổ theo.
Ông Ba Chúc: Mình sinh ra con mà không lo được đầy đủ cho con, đau lòng lắm. Tôi cũng cố hết sức, lặn lội làm, chỗ này không có việc chạy chỗ khác kiếm tiền cho con. Tôi vẫn động viên vợ, hôm nào làm nhiều ăn ngon một tý, hôm nào ít ăn bớt đi. Có hôm không có đủ gạo, nấu cháo ăn, lắm hôm ăn bo bo với bột mì sợi qua ngày.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình ông Ba Chúc. |
Các con của cô chú nói gì về công việc bố mẹ đang làm?
Ông Ba Chúc: Hồi xưa chúng sợ lắm, nói bố sao làm những chuyện như thế, không sợ sao? Nhưng tôi trả lời là bố giúp đỡ người ta, trước khi làm bố đã xin người ta rồi, để bố đưa lên bờ có nơi chôn cất đàng hoàng. Sau dần các con tôi cũng hiểu ủng hộ việc làm của tôi.
Có ai nối nghiệp cha không?
Ông Ba Chúc: Có đứa cháu ngoại, nhưng không biết làm được như tôi không?!... Năm nay cháu hơn 8 tuổi, tôi dìu dắt từ từ, hễ cháu đi học về tôi bảo đi theo ông ngoại.
Bà Nguyễn Thị Hinh: Chúng tôi không có con trai, chỉ có 5 đứa con gái chắc chắn không nối nghiệp được. 6 đứa cháu ngoại, 4 đứa là gái. Ông nhà tôi đang chỉ dẫn cho đứa cháu trai lớn để nối nghiệp, nhưng chắc cháu không chịu đâu. Nó bảo: Nếu mai mốt ông ngoại không còn làm ở đây thì thôi chứ con chẳng làm đâu.
Tuổi ngày một cao, sự nhanh nhẹn cùng sức khỏe ngày một yếu đi, chú không sợ nếu tiếp tục công việc cứu người nhảy cầu tự vẫn có thể khiến chú gặp nguy hiểm đến tính mạng sao?
Ông Ba Chúc: Sợ chứ bạn. Nhưng tôi vẫn phải làm. Khi làm tôi cũng nhắm tình hình để phòng thân, không liều chết. Mặc dù tôi biết mình ngày một già đi, sức kém nhiều hơn lúc khỏe nhưng tôi sẽ cố hết sức. Nếu trời cho tôi còn sống vẫn phải làm, còn yếu quá đành bó tay thì thôi.
Lênh đênh sông nước hơn nửa đời người, hẳn cô chú từng nghĩ đến chuyện lên bờ để tìm một cuộc sống ổn định hơn?
Ông Ba Chúc: Đúng rồi, thật lòng tôi cũng muốn như vậy. Nhưng làm công việc này tiền bạc không có mua nhà, lấy đâu ra tiền tỷ khi vợ chồng tôi chỉ kiếm sống qua ngày. Tôi cũng mua vé số, cầu mong trúng giải mua cái nhà mai mốt về già, ốm đau còn có chỗ nằm chứ ở đây chỉ có cái ghe này. Vợ tôi giờ bệnh tật, đau yếu nhưng không biết sao bây giờ.
Nếu lên bờ chú sẽ làm gì?
Ông Ba Chúc: Nếu lên bờ, trời cho còn khỏe tôi đi bán vé số kiếm tiền nuôi vợ chứ tôi cũng không biết làm việc gì cả.
Đó có phải là lý do chú không lên bờ?
Ông Ba Chúc: Đúng là cũng có lý do đó. Trên bờ nhà cửa không có, phải đi thuê nhà mà tiền thuê nhà một tháng mấy triệu đồng, lấy tiền đâu trả người ta và thêm tiền sinh hoạt nữa.
Sông Sài Gòn bây giờ ô nhiễm nặng, quăng lưới kéo cá chắc sẽ khó khăn hơn. Chú lại không biết đi xe máy, làm thế nào để trang trải cuộc sống?
Bà Nguyễn Thị Hinh: Vợ chồng tôi dốt lại không biết đi xe máy nên chẳng biết làm gì trên bờ. Hồi xưa cá thiên nhiên nhiều, cũng trầy da tróc vẩy mới nuôi được 5 mặt con. Giờ nước ô nhiễm lắm, ít cá thiên nhiên, chỉ nhờ cá phóng sinh người ta thả, có cá gì bắt cá đấy thôi. Khoảng 5 năm về đây tôi bệnh tiểu đường, không chèo phụ ông ấy bắt cá nữa, chỉ ở nhà đi chợ nấu cơm. Còn ông ấy ai kêu gì làm đó.
Ông Ba Chúc: Tôi có cái ghe, vừa vớt xác vừa cứu người. Lúc không đi vớt nhiều người trên xà lan ngoài sông gọi điện cho tôi để tôi chạy ra đưa họ vô, hay ai nhờ tôi mua đồ trên bờ chở ra xà lan tôi làm, kiếm vài chục ngàn đồng. Hay có người nhờ đổ cá phóng sinh ra sông họ cũng cho tôi tiền công.
Nếu được cho điều ước cô chú mong điều gì nhất?
- Nếu trời cho, tôi mong có được cái nhà, vì về già mình phải có chỗ nghỉ ngơi, đi đứng cho thoải mái, chứ ở ghe nói thật không đi đâu được cả.
Quỳnh Loan - Sơn Hà - An Tuyên - Huy Phúc
Ảnh: Đinh Quang Tuấn