- 40 năm neo ghe trên dòng sông Sài Gòn, ông Ba Chúc - nhân vật trò chuyện của Hotface tuần này là khắc tinh của thần chết khi đã hàng trăm lần cứu sống, vớt thi thể của những người xấu số.

Clip 1: Ông Ba Chúc với những câu chuyện ly kỳ vớt xác, cứu người.
Clip 2: Những lần khiến ông Ba Chúc ám ảnh, mất ăn mất ngủ.
Xem toàn bộ phần 1 cuộc trò chuyện với ông Ba Chúc.

Nhà báo Quỳnh Loan: Trên sông Sài Gòn, bất cứ đâu có xác người trôi sông cần vớt ông đều có mặt. Với ông, đây là nghề hay nghiệp?

Ông Ba Chúc: Đây không phải là nghề cũng không phải nghiệp. Tôi thấy trước mắt con người sống với nhau quan trọng là tấm lòng. Người chết trên bờ còn có người nọ người kia đến viếng, đốt nhang chứ người chết dưới sông trôi lên trôi xuống, có khi chẳng ai dám nhìn vì nhiều xác thối ra, biến dạng ghê lắm. Nhưng tôi bằng lòng của mình nên thấy xác thì vớt, trình báo công an đưa người đó lên bờ, cho họ có cái mồ, cái mả.

Tôi thương người nhà người ta không biết con mình, em hay cháu mình chết không biết tin tức nên cố hết sức để vớt phần xác lên bờ. Đem lên rồi, phía công an với công ty vệ sinh môi trường đưa đi chôn, hay thiêu gì đó tôi không biết, riêng phần mình giúp cho xác chết lên bờ, giúp người thân của người đó tìm được đưa về.

Số tử thi ông vớt nhiều đến nỗi có người lầm tưởng ông mưu sinh bằng nghề vớt xác chứ không phải chài lưới. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi làm nghề đánh cá chứ không phải vớt xác nhưng vì lòng con người với nhau nên bất kể đêm hôm, sớm tối giờ nào hễ ai điện tôi có mặt ngay để vớt xác lên. Nhiều xác ở gần bờ, trước khi kéo đi tôi phải xem tình hình thế nào, có bãi trống để xe ra được đến đó hay không, trình báo công an... Nhiều khi không có bãi trống tôi phải kéo đi vài cây số. Gặp thuận nước đỡ chứ ngược nước máy có khi kéo không nổi, tôi phải đậu ghe lại chờ nước xuôi mới kéo người đó đến chỗ thích hợp, cho lên bờ.

{keywords}
Hình ảnh ông Ba Chúc quăng lưới đánh cá.

Nhiều trường hợp không có chỗ thích hợp đưa lên cực khổ, xe không vào được phải khênh xác tới lộ cái mất mấy cây số. Chuyện đi kéo xác có hôm tôi làm từ sáng đến ba, bốn giờ chiều mới về với gia đình để ăn cơm.

Những xác chết trôi sông thường có mùi hôi. Khi làm công việc vớt xác ông có thiết bị bảo hộ?

 - Không. Tôi chỉ có sợi dây làm lọng để lng vào chân người chết, kéo cho dây thít lại rồi cột vào ghe giật máy chạy về. Hồi nào giờ tôi cũng không có khẩu trang gì cả. Vào đến bờ, tôi xin bao tay phụ với bên công ty vệ sinh, nhiều khi tôi khênh hộ lên băng ca, hay chẳng hạn khênh lên bờ.

Ông chia sẻ trường hợp hiểm nguy rình rập nhất?

- Trước khi chạy ra cứu người đôi khi tôi cũng sợ lắm vì hiểm nguy, ranh giới giữa sự sống và cái chết của con người. Tôi chạy ghe ra, thấy người ta chới với trên sông, tôi nắm tay hoặc chân người đó kéo lên ghe rồi chạy vào bờ. Còn không tôi lúc nào cũng có sợi dây cột sẵn vào ghe, khi thấy người đó chìm rồi sẽ nhanh chóng cột vào tay tôi rồi phóng xuống theo, để người đó bám víu vào tôi lần theo theo cọng dây trồi lên.

{keywords}
Ông Ba Chúc là người bơi rất giỏi.

Tôi giờ sức khỏe yếu, không vẫy vùng như xưa nên phải có sợi dây để hỗ trợ. Cũng xém chết mấy lần vì khi người ta cận kề cái chết sẽ bám chặt lắm, gỡ không nổi, phải dùng dây mới cứu được người đó và giữ lại mạng sống cho mình. Có nhiều người nặng lắm, 70, 80 ký một mình tôi kéo không nổi, phải thả trôi đưa đến chỗ đông người nhờ họ phụ rồi đưa lên ghe chạy về. Nếu người bất tỉnh tôi bịt mũi, thổi để nôn ra, thở được. Còn nếu người đó không thở tôi sẽ báo công an theo đưa vào bệnh viện, chờ xem tỉnh lại mới đi về.

Trong suốt 40 năm gắn bó với sông nước, chứng kiến nhiều cái chết đau lòng, những xác chết trương phình thối rữa, điều gì khiến ông ám ảnh nhất?

- Nói thật tôi mấy chục năm đã vớt rất nhiều xác. Có trường hợp rất đau lòng tôi nhớ hoài, đó là cách đây 8-9 năm gì đó, nghe người ta nói có xác chết trôi, tôi chạy ra ban đầu thấy mẹ, khi cột dây kéo thấy lòi đứa con ra. Hai mẹ con chết cột với nhau. Tôi bật khóc vì thương đứa nhỏ quá. Mẹ cháu muốn chết, vì chuyện gì đó không biết nhưng tôi đau lòng cho đứa nhỏ bị người lớn buộc chết theo. Cha tôi chết, tôi chỉ khóc sơ sơ vậy mà nhìn cảnh đau lòng hai mẹ con cột nhau chết tôi khóc rất nhiều.

Đã có ca nào khiến ông mất ăn mất ngủ?

- Hồi xưa lúc còn nhỏ tôi đi vớt xác với bố, tôi sợ lắm. Anh em đông nhưng bố thích tôi nhất vì thấy dạn dĩ nên có chuyện gì cũng bảo đi theo. Nhiều xác trương phình, đêm về tôi sợ bỏ cơm, không dám ngủ. Có hôm bố tôi hỏi: "Sao không ăn cơm?", tôi chỉ nói không ăn được. Mấy hôm sau người ta báo có xác chết, bố tôi lại kéo tôi đi theo. Tôi giả vờ đau bụng không đi, nhưng bố bảo: "Nếu con không đi, ai đi với bố bây giờ?''. Vậy là tôi phải đi. Sau này lấy vợ, nghĩ bố tôi làm chuyện này tốt, tôi học hỏi làm theo để giúp những người xấu số hay những người muốn chết có tôi cứu được.

{keywords} 

Ông đã cứu sống không ít người nhảy cầu tự tử. Và nhiều người nói việc cứu người nhảy cầu chỉ cần chậm một giây là có thể một người sẽ mất mạng nên để kịp cứu ông buộc phải có phản ứng nhanh và một linh cảm đặc biệt?

 - Đúng. Chết hay sống đều phụ thuộc vào cái máy ghe. Trời cho người đó sống hay không là ở những lúc giật ghe. Nếu giật một cái máy nổ người đó sống, còn nếu giật ba cái không chạy người đó chết. Bởi khi người ta nhảy xuống sông, trồi lên có ba lần, nếu không lẹ tay chạy ra thì chìm mất.

Nói thật, nhiều lần chạy ghe ra đến nơi không vớt được người ta tôi đau lòng lắm. Bởi tôi nghĩ nếu như tôi nhanh một tý đã cứu được rồi. Hôm nào không kịp cứu người tôi ăn cơm không ngon, lòng không yên. Và lập tức đè máy ghe ra sửa sao cho nó ngon lành, để chạy ra kịp thời cứu người cho lòng thanh thản, lương tâm không cắn rứt.

{keywords}
Gương mặt hiền hậu của ông Ba Chúc.


Nhiều nơi người ta kiêng, đã làm nghề sông nước mà cứu người… đền mạng như chơi. Ông có sợ?

- Tôi đạo công giáo nên không nghĩ về chuyện gì cả. Trước mắt mình nghĩ sống phải có tình người, nên cho dù chết cũng phải cứu. Thật tình tôi cũng có nghe những lời lẽ như thế, nếu như mình cứu người tự tử sẽ có người trong gia đình phải đổi mạng vì mình “cướp miếng ăn của hà bá” nhưng tôi không tin. Tôi nghĩ, cho dù ngày hôm nay mình cứu được mạng người này dù có chết cũng chấp nhận vì đã cứu được quá nhiều người.

Những người được cứu nói gì khi ông mang họ từ cõi chết trở về?

- Mới vớt lên, thường người ta hay bảo: "Sao không để con/cháu/tôi chết đi?". Tôi nói thẳng với người ta rằng dù có vấn đề nào đó cũng đừng nghĩ bế tắc. Con kiến nó còn biết sống huống chi con người. Cha mẹ sinh ra, nuôi từ nhỏ đến lớn biết bao công ơn mà nỡ nào nhảy cầu. Chết đi rồi con cái, cha mẹ ở nhà phải làm sao? Cho dù cuộc sống thế nào cũng phải cố vươn lên mà sống. Tôi đây này, nghèo lắm, chỉ có cái ghe vẫn vươn lên để sống, huống hồ những người trên bờ có nhà cửa, có gia đình đông đủ.

Có ai trong số họ vẫn giữ liên lạc hoặc quay lại cảm ơn ông?

 - Có. Đôi khi có người ở xa điện về hỏi han và hứa có ngày trở về thăm. Khi tết cũng có người tới tặng tôi chút quà để cảm ơn vì tôi đã cứu họ. Có người tôi cứu cách đây khoảng gần năm, lúc đó cô ấy có thai. Nay đứa con cô này được bốn tuổi quay lại cho tôi một triệu đồng và hỏi tôi có nhớ cô ấy không. Tôi bảo rằng vẫn nhớ.

Phần 2: Bệnh tật, cuộc sống khốn khó của vợ chồng vớt xác, cứu người

Quỳnh Loan - Sơn Hà - An Tuyên - Huy Phúc
Ảnh: Đinh Quang Tuấn