- GS Đặng Hùng Võ đã không cầm được nước mắt khi kể lại câu chuyện ám ảnh mà ông chứng kiến khi còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường.

Clip 1: GS Đặng Hùng Võ khóc kể về chuyện ám ảnh

Clip 2: GS Đặng Hùng Võ tiết lộ mức lương làm thêm khi nghỉ hưu

Xem toàn bộ phần 1 cuộc trò chuyện với GS Đặng Hùng Võ.

Nhà báo Hà Sơn: Giáo sư Đặng Hùng Võ là người đã gắn bó rất lâu với Bộ Tài nguyên Môi trường. Nhìn lại khoảng thời gian dài đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, điều gì khiến ông nhớ nhất?

GS Đặng Hùng Võ: Trước đây, tôi đi học cũng như đi làm ít khi được thầy cô và lãnh đạo quý mến. Tuy nhiên, trong 5 năm làm tại Bộ Tài nguyên Môi trường nhiệm kỳ đầu kể từ khi Quốc Hội thành lập, tôi có cảm giác bộ máy lãnh đạo luôn vui vẻ, đồng lòng và thấu hiểu nhau.

Một điều nữa, trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, phụ trách những vấn đề về đất đai, tôi đã có 7 năm làm Phó Tổng Cục trưởng của Cục Địa chính, cũng chuyên làm về đất đai. Kỷ niệm tôi nhớ nhất liên quan đến vấn đề đất đai xảy ra năm 2005, khi Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, đó là kiểm tra việc thực thi “Luật đất đai” năm 2003 trên cả nước.

Lúc đó, tất cả các địa phương đều cảm thấy bực mình. Đoàn chúng tôi đi đến đâu đều có hàng trăm người cầm đơn chạy theo gây nên sự lôn xộn đúng lúc các địa phương đang Đại hội cấp sơ sở. Vẫn biết đất đai là vấn đề nóng nhưng tôi không ngờ nhiều người dân bức xúc về vấn đề này đến thế. Vậy nên tôi vẫn luôn coi đó là một kỷ niệm có một không hai.

Có người nói rằng tính cách ngang tàng, thẳng thắn của ông đã khiến Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực trọng dụng, tin tưởng để cùng nhau làm nên nhiều chính sách pháp luật về đất đai. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi là người tính tình phóng túng, luôn có chất nghệ sĩ từ khi còn đi học đến khi đi làm. Có lẽ vì thế mà tôi bị nhiều thủ trưởng không thích. (cười). Làm việc cùng anh Trực, tôi dần nhận thấy anh cũng có những tính nết na ná tôi hơn nữa hai anh em lại cùng tuổi và sinh gần nhau.

Vì vậy chúng tôi hợp nhau từ tư duy, cách làm việc thậm chí cả việc tiếp cận với báo chí. Ví dụ như Luật nước ta vẫn đi theo hướng làm sao để bộ máy Nhà nước quản lý có hiệu lực, quyền của Nhà nước phải lớn. Thế nhưng tôi và anh Trực nghĩ khác, chúng tôi nghĩ mục tiêu cụ thể của “Luật đất đai” là sử dụng đất một cách hiệu quả, sự quản lý của Nhà nước chỉ là công cụ giúp việc sử dụng đất có hiệu quả hơn.

Trong quá trình làm việc với người dân, có câu chuyện nào khiến ông nhớ mãi?

- Cũng chính thời gian đi kiểm tra thi hành “Luật đất đai” năm 2003, tôi đến tỉnh Tiền Giang, có hai bà cụ đã gặp tôi vái lậy và nói về việc họ bị thu hồi nhà ở, khu tái định cư chưa có, hai cụ già phải ngủ dưới gầm cầu. Lúc đó tôi không cầm nổi nước mắt, hình ảnh đó ám ảnh trong tâm trí tôi mãi. (GS Đặng Hùng Võ nghẹn ngào khóc - PV).

Sau đó tôi cũng đi nhiều tỉnh, tôi nhận ra rằng còn nhiều chuyện chúng ta làm chưa tốt với dân. Sau khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều người dân rơi vào cảnh nghèo đói.

Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, lúc đó, ông có hành động nào cụ thể với hai cụ bà ấy?

- Tôi đã yêu cầu tỉnh xem xét những trường hợp đó và giải quyết chứ không thể để như vậy được. Một thời gian sau, tôi hỏi lại, tỉnh nói đã quan tâm và giải quyết cho hai bà cụ.

Trong quãng thời gian đương nhiệm, có điều gì ông cảm thấy hối tiếc hoặc ân hận khi có nhiều việc mình chưa làm tốt hoặc muốn nhưng chưa làm được?

- Tôi không hối hận hoặc nuối tiếc vì mình làm sai hoặc làm chưa đến nơi đến chốn, cụ thể là “Luật đất đai” 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Tôi chỉ tiếc vì có những điều chưa làm được hoặc có những thứ có thể làm tốt hơn.

Ví dụ chúng ta đang quan tâm đến vấn đề hạn điền, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. “Luật đất đai 2003” hiện nay đã cơi nới thêm nhưng đáng lẽ ngay từ 2003 phải được giải quyết nhưng bởi khi ấy có chủ trương những việc đó không được giải quyết trong luật 2003 nên dù tôi với anh Trực đã cố gắng hết sức nêu quan điểm xóa bỏ hạn điền, để người nông dân được sở hữu đất nông nghiệp, chúng tôi vẫn không làm được.

Hiện nay Thủ tướng yêu cầu nông nghiệp quy mô lớn phát triển, đáng lẽ điều đó đã có thể làm từ 2003. Đây là điều khiến tôi day dứt vì dù muốn nhưng đã không làm được.

{keywords}
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ.

Mặc dù rất giỏi về luật đất đai nhưng ông lại không sử dụng kiến thức đó để kinh doanh bất động sản. Có phải ông từng kinh doanh thủa sinh viên nên rút ra nhiều kinh nghiệm và không muốn tiếp tục nữa?

- Khi ở nước ngoài, tôi đã xây dựng một đường dây thương mại của người Việt Nam tại các nước Đông Âu. Khi đó anh em chủ yếu mua hàng gửi về nước nên tôi nghĩ tại sao lại phải đi nước nọ nước kia chỉ để mang về một vài đồ dùng nhỏ nhặt mà không dựa vào một đường dây thương mại cỡ lớn. Lúc đó anh em mới bắt đầu tư duy về việc làm ăn lớn và hình thành đường dây thương mại giữa các nước Đông Âu. Nhờ đó mà chúng tôi cũng kiếm được khá nhiều tiền và phục vụ được lợi ích cộng đồng.

Tôi được mọi người đánh giá có đầu óc kinh doanh. Tôi thấy nếu tôi làm kinh doanh có lẽ cũng sẽ ổn. Điều khiến tôi không kinh doanh bất động sản là do tôi xuất thân từ một gia đình nho giáo, được dạy dỗ theo nho giáo, việc dùng cương vị của mình để làm giàu là chuyện không được phép. Tôi đã kinh doanh là chỉ thuần túy kinh doanh, còn với cương vị người quản lý, phải làm trách nhiệm quản lý cho thật tốt. Người quản lý đất đai lại đi kinh doanh nhà đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của tôi.

Những quan chức, cán bộ hay chỉ là người bình thường sau khi về hưu đều muốn có một cuộc sống an nhàn bên gia đình như tranh thủ đi du lịch, câu cá, chăm sóc vườn cây ao chuồng. Nhưng giáo sư không như vậy, ông thậm chí còn làm việc nhiều hơn và vẫn luôn dõi theo những vấn đề thời sự của đất nước. Vì sao ông chọn như vậy?

- Tôi nghĩ con người không lao động sẽ bị hèn dần đi rồi ngày càng tàn lụi. Vì vậy tôi nhất định phải tìm việc để làm, phải lao động. Tôi cũng không có tiền dự trữ để đi đi câu cá, bắn chim suốt ngày.(cười). Tôi cũng không có nhiều tiền cộng thêm vợ dại con thơ buộc tôi phải đi làm kiếm sống thôi.

Thu nhập chính hiện nay của ông đến từ công việc gì?

- Công việc đem lại nhiều thu nhập nhất cho tôi hiện nay là tư vấn cho các tổ chức quốc tế ví dụ như ngân hàng thế giới. Những việc liên quan đến đất đai, bất động sản, phát triển đô thị…họ đều thuê tôi. Ngân hàng thế giới hiện tại đang trả tôi với mức lương gần 9 triệu đồng một ngày. Ngoài ra tôi cũng tham gia hội thảo, viết bài cho các hội thảo, hoạt động báo chí…

Ba năm trở lại đây, ông mắc bệnh tiểu đường, một căn bệnh rất cần sự điều độ trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng hiện tại ông đang rất bận rộn với nhiều công việc cùng lúc. Ông có nghĩ trong thời gian tới sẽ giảm bớt khối lượng công việc để chăm lo sức khỏe nhiều hơn?

- Tôi cho rằng đến một tuổi nhất định chắc chắn sẽ phát sinh bệnh tật, nhất là bệnh của những người làm bàn giấy như huyết áp cao, tiểu đường, vôi hóa cột sống…Thế nên chủ yếu mình phải biết và hiểu về những căn bệnh đó để làm sao khắc phục một cách tốt nhất.

Bên cạnh việc vận động tăng cường sức khỏe còn phải kết hợp với những loại thuốc chuyên dụng. Tôi không hay dùng thuốc tây mà ưu tiên sử dụng Đông Y, nhất là thuốc Nam. Tôi nghĩ chưa cần thiết phải dừng công việc, tôi vẫn có thể vừa làm việc vừa chú trọng đến sức khỏe của mình.

Phần 2: GS Đặng Hùng Võ tiết lộ hôn nhân với vợ 3 kém 30 tuổi

Sơn Hà - Đức Yên - Bạt Tuấn