- Ở Doha, nước nào cũng lúng túng trước bài toán giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích riêng quốc gia và lợi ích chung toàn thế giới. Đặc biệt, một số nước lớn phát thải khí nhà kính nhiều nhất lại không muốn mở hầu bao chi tiền nhiều nhất…

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, tức Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-18), tiến hành ở Doha, nước Qatar, bắt đầu từ ngày 26/11/2012, đã không thể kết thúc đúng kế hoạch vào ngày 7/12 và phải kéo dài thêm 1 ngày nữa, đến 8/12/2012 mới bế mạc.

Bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành Công ước khung Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu. Ảnh: AP.

Mọi dân tộc, mọi quốc gia đều quan tâm sâu sắc đến sự biến đổi khí hậu trên quả đất và nguyên nhân tác động đến sự biến đổi đó là sự phát thải khí CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ trên trái đất nóng lên. Nhưng nước nào cũng lúng túng trước bài toán giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích riêng quốc gia và lợi ích chung toàn thế giới. Điều oái oăm là một số nước lớn xả khí nhà kính nhiều nhất lại không muốn mở hầu bao chi tiền nhiều nhất để giảm bớt lượng khí thải đó.

Điều hoà hợp lý cho các mâu thuẫn nảy sinh nhằm bảo vệ hành tinh chung, một văn bản thoả thuận gọi là Nghị định thư Kyoto đã được thông qua tại Nhật Bản vào năm 1997. Nghị định thư chính thức có hiệu lực ngày 16/2/2005, quy định đến năm 2012 các nước công nghiệp phải giảm lượng khí thải nhà kính trung bình 7-8% so với lượng khí thải năm 1990.

Các quốc gia đặt hy vọng vào vai trò và ý nghĩa rất tích cực của Nghị định thư Kyoto, nhưng trên thực tế cho đến nay vẫn tỏ ra khó khả thi. Diễn biến khí hậu trên trái đất vẫn tiếp tục theo chiều hướng xấu. Một báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy: Lượng khí thải CO2 đã tăng thêm 20% từ năm 2000. Gần đây nhất, một dự án nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 4 độ C so với thời kỳ trước khi ngành công nghiệp thế giới bùng nổ (sau thập niên 1950), và cao hơn mục tiêu 2 độ C đặt ra bởi Liên Hiệp Quốc trước đây.

Trong tình thế Nghị định thư Kyoto, công cụ để ràng buộc các nước có trách nhiệm trong việc bảo vệ khí hậu toàn cầu, sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012 này, các nước chạy đua với thời gian và hy vọng cho ra đời một thỏa thuận quốc tế mới gia hạn cho Nghị định, nhằm cắt giảm lượng khí thải nhiều hơn và bảo vệ môi trường trái đất hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, qua nhiều kỳ họp, trong những năm gần đây, vẫn chưa có một thỏa thuận chung cụ thể nào được ký kết giữa tất cả các bên. Cho đến nay, chỉ Liên minh châu Âu (EU), Úc, Na Uy, Thụy Sĩ tán đồng việc cắt giảm cụ thể.

Đến Hội nghị Doha năm 2012 này, dù thống nhất kéo dài Nghị định thư Kyoto, nhiều nước vẫn chỉ dừng ở tuyên bố chung chung không mang tính ràng buộc về việc cắt giảm khí thải. Đặc biệt, hai nước lớn chiếm lượng khí nhà kính phát thải lớn nhất, Mỹ và Trung Quốc, vẫn đứng ngoài sự ràng buộc pháp lý của Nghị định thư “hậu Kyoto”. Tiếp đến, các nước Nga, New Zealand, Canada và Nhật Bản từ chối ký vào quyết định gia hạn Nghị định thư Kyoto. Như vậy, Nghị định này sẽ không có hiệu lực pháp lý đối với trên 80% tổng lượng khí thải của thế giới.

Đây là sự thất vọng lớn nhất mà Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm nay COP-18, cũng như các Hội nghị trước đây như COP-17 ở Durban (Nam Phi), COP-16 ở Cancun (Mexico),  COP-15 ở Copenhagen (Đan Mạch)… mang lại.

Tuy vậy, như lời tuyên bố của đại diện nước chủ nhà Qatar, Hội nghị COP-18 đã đạt được một số điểm nhất trí có ý nghĩa nhất định thể hiện trong Hiệp định Doha, còn gọi là Nghị định thư Kyoto II hay hậu Kyoto.

Trước hết, thời hạn thực hiện nghị định thư Kyoto (hết hạn vào ngày 31/12/2012) được kéo dài từ ngày 1-1-2013 đến hết ngày 31/12/2020.

Ngoài ra, các nước có liên quan gồm Liên minh châu Âu dẫn đầu là nước Đức, Croatia, Iceland và tám nước công nghiệp hóa chiếm 15% khí thải thế giới cam kết giảm khí thải chậm nhất vào năm 2014.

Một nội dung khác mà các nước đang phát triển đòi hỏi là các nước phát triển cam kết rõ ràng nâng trợ cấp lên đến 100 tỉ đô la mỗi năm nhằm đối phó và khắc phục hậu quả gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng các nước phát triển viện lý do đang gặp khó khăn tài chính không sẵn sàng chi thêm các khoản tiền lớn. Mặt khác, họ cũng chưa sẵn sàng công bố cụ thể về mức và thời hạn phân bổ khoản tiền trợ cấp nói trên.

Hội nghị COP-18 năm nay ở Doha, dù đã đạt được một số điều thống nhất, nhưng rõ ràng còn quá nhiều bất đồng giữa những nước giàu và các nước nghèo, giữa các nước phát triển và đang phát triển và cả giữa những nước lớn đang gây ô nhiễm khí nhà kính nhiều nhất.

Bài toán mâu thuẫn giữa lợi ích riêng quốc gia và lợi ích chung toàn thế giới quả là bài toán khó của “muôn đời”. Và lời giải cho bài toán đó còn để lại ở “thì” tương lai.

Trần Minh