Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Analytical Chemistry mới nhất, các nhà hoá học đã đề xuất phương pháp mới để cứu những bức tranh của Van Gogh, Gauguin, Cesane và một số họa sĩ khác thuộc thế kỷ XIX và XX - những tài sản quý của nhân loại đang bị biến mất màu.
Bài báo cho biết, trong tác phẩm của Van Gogh cũng như các hoạ sĩ khác màu vàng được dùng là vàng crôm. Màu này dễ bị biến đổi hơn bất cứ màu nào khác trong quá trình bảo quản.
Bức tranh “Hoa cắm trong chiếc bình xanh” của Van Gogh. |
Trước đây các nhà hoá học đã xác định rằng nguyên nhân của hiện tượng này là hợp chất crôm hoá trị 6 trong sơn dầu bị khử thành crôm hoá trị 3.
Hiện nay, sau hàng loạt các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về quá trình biến chất của sơn màu trong những điều kiện tương tự như điều kiện các hoạ sĩ nổi tiếng thế giới đã sáng tác và được bảo quản lâu dài, các nhà hoá học thấy rằng thành phần crôm trong sơn màu sẽ bị biến màu rất nhanh chóng khi có mặt đồng thời các hợp chất sunfat.
Quá trình này càng bị đẩy mạnh dưới tác động của loại sơn dầu có màu xanh da trời và tím sẫm. Như vậy, để bảo vệ các kiệt tác hội hoạ khỏi bị mất giá trị nghệ thuật phải loại bỏ được sự tiếp xúc với các tia bức xạ, có tác dụng khơi mào cho các phản ứng hoá học xảy ra.
Tháng chín 2012, các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu về những vết màu nâu xuất hiện trên những bức tranh của nhà danh hoạ Hà Lan Vincent Van Gogh, nhất là ánh màu nâu xuất hiện trên bức tranh “Hoa cắm trong chiếc bình xanh” trên những mảng có màu vàng. Trong bức tranh này, ông không dùng vàng crôm mà dùng vàng cadmi.
Người ta đã phát hiện ra là những vết hoặc ánh màu nâu ấy là do kết quả tương tác giữa sơn phủ trên tấm vải nền và oxalat cadmi trong sơn màu. Khi biết được nguyên nhân làm hỏng màu sắc ban đầu của tranh các nhà hoá học sẽ tìm ra được những cách có hiệu quả hơn để bảo quản những tác phẩm có một không hai của loài người. Tất nhiên, đây là công việc phải hết sức thận trọng để không làm ảnh hưởng đến chất lượng của những tác phẩm ấy.
Bảo Châu