Trong danh sách những nghề ít danh giá và kém hấp dẫn nhất trên thế giới, chắc chắn có tên nghề … ngửi rắm. Sự ra đời của cái nghề “độc” và lạ này bắt nguồn từ kết quả của một số nghiên cứu khoa học thú vị và hài hước.
Người làm nghề ngửi rắm chắc chắn phải trải qua một số khó chịu nhất định. Ảnh: Live Science |
Theo trang Rocket News 24, một số người Trung Quốc theo “y học thay thế” (hay còn gọi là “y học không tập quán” – thuật ngữ chỉ tập hợp những liệu pháp thông thường không đươc thừa nhận trên bình diện khoa học nhưng được dùng thay cho các phép trị liệu qui ước) dường như tin rằng, “khí thải” của mỗi người đều chứa đựng các sắc thái nhất định – đắng, thơm, ngọt hoặc tanh – và những sắc thái này có thể được sử dụng để phát hiện bệnh nhờ khứu giác thính nhạy, sắc bén của một chuyên gia được đào tạo bài bản.
Chẳng hạn như, rắm có mùi bất thường có thể được coi là biểu hiện của bệnh chảy máu ruột hoặc khối u.
Một nghiên cứu của các chuyên gia tại bệnh viện Zhongda thuộc Đại học Đông Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc thậm chí phát hiện, khí hydro sunfua (khí trung tiện) có thể giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên, nhóm tác giả nghiên cứu vẫn chưa xác định được lượng “khí thải” của người cần có để đạt được tác dụng hạ huyết áp. Một điều nữa là liệu các bệnh nhân có đồng ý “ngửi rắm” để điều trị bệnh hay không.
Ngoài việc sử dụng rắm, một số nghiên cứu khoa học cũng đề xuất dùng những thứ kỳ quặc khác làm công cụ chẩn đoán bệnh. Chẳng hạn như, chó đã được đào tạo để khám phá sự hiện diện của bệnh ung thư tuyến tiền liệt từ việc ngửi mẫu nước tiểu của bệnh nhân. Trong một nghiên cứu khác, các con chó được chứng minh có khả năng nhận diện mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ung thư ruột chính xác tới 97%.
Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy, con người có khả năng xác định, với độ chuẩn xác nhất định, tính cách của người khác dựa vào mùi cơ thể nhất định của họ.
Quay trở lại với nghề ngửi rắm, trang Rocket News 24 đưa tin, các nhà tuyển dụng Trung Quốc đang chào mời mức lương hấp dẫn, có thể lên tới 50.000 USD/năm. Tuy nhiên, chỉ những người trong độ tuổi từ 18 – 45 mới được coi là đủ tiêu chuẩn xét tuyển. Các đối tượng xét tuyển cũng không được có bất kỳ khiếm khuyết hoặc bệnh gì về mũi, đồng thời không hút thuốc hoặc uống rượu.
Những người lọt qua vòng sơ tuyển sau đó sẽ phải tham gia một chương trình đào tạo bài bản dài lê thê, trải qua một cuộc thi sát hạch cuối kỳ trước khi chính thức được chọn trở thành một chuyên gia … ngửi rắm.
Tuấn Anh