Mặc dù tương đồng tới 98% về ADN với loài tinh tinh nhưng con người sở hữu bộ não lớn hơn nhiều và cũng có trí thông minh vượt trội hơn hẳn. Một nghiên cứu mới đã hé lộ nguyên nhân dẫn tới điều đó: Không giống như tinh tinh, con người trải qua thời kỳ phát triển bùng nổ về chất trắng (bao gồm những phần tế bào thần kinh liên kết các tế bào não), trong 2 năm đầu đời.


Kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B của các nhà khoa học Nhật đã giúp lý giải một phần lí do tại sao con người lại thông minh hơn những người họ hàng gần gũi nhất còn sống của chúng ta. Công trình này cũng đồng thời hé lộ lí do tại sao 2 năm đầu đời lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con người.

Mặc dù các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, bộ não của con người trải qua quá trình mở rộng nhanh chóng về sự nối kết, nhưng giới khoa học vẫn chưa rõ liệu đây có phải là đặc điểm độc nhất vô nhị trong nhóm các loài khỉ dạng người loại lớn (bao gồm tinh tinh, khỉ đột, đười ươi và con người) hay không.

Để chứng minh đây là điểm đặc trưng riêng có, tạo nên trí tuệ vượt trội của nhân loại, các nhà nghiên cứu cần phải chứng minh nó hoàn toàn khác với quá trình phát triển chất trắng ở những động vật linh trưởng được coi là họ hàng gần gũi nhất của chúng ta.

Theo trang Live Science, các nhà nghiên cứu Nhật đã sử dụng việc quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) bộ não sống của 3 con tinh tinh non khi chúng được 6 năm tuổi. Nhóm nghiên cứu sau đó so sánh dữ liệu thu được với kết quả chụp MRI bộ não của 6 con khỉ và 28 trẻ em Nhật.

Họ phát hiện, cả tinh tinh và người đều phát triển não nhiều hơn khỉ trong những năm đầu đời.

"Việc tăng tổng khối lượng não trong giai đoạn sơ sinh và giai đoạn vị thành niên ở tinh tinh và con người lớn gần gấp 3 lần ở khỉ", trích bài báo cáo nghiên cứu trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.

Tuy nhiên, bộ não của người thậm chí nở rộng hơn đáng kể so với não tinh tinh trong vài năm đầu đời, nhờ sự phát triển bùng nổ của chất trắng. Khối lượng não tinh tinh trung bình chỉ phát triển bằng ½ so với sự phát triển ở con người trong giai đoạn đó.

 Chet Sherwood – một chuyên gia thần kinh học tiến hóa thuộc Đại học George Washington (Mỹ) và không thuộc nhóm nghiên cứu - nhận định, phát hiện trên, dù không nằm ngoài kỳ vọng, nhưng là độc nhất vô nhị vì các nhà nghiên cứu Nhật đã theo sát cùng một nhóm tinh tinh trong thời gian dài. Trong khi đó, tác giả các nghiên cứu trước đây lại gán ghép các dữ liệu về sự phát triển bộ não ở nhiều con tinh tinh ở các độ tuổi khác nhau.

Ông Sherwood cho rằng, sự bùng nổ về chất trắng cũng có thể giúp lý giải tại sao các trải nghiệm trong vài năm đầu đời lại ảnh hưởng rất lớn đến IQ của trẻ, đời sống xã hội và những phản ứng dài hạn của một cá nhân con người đối với stress.

  • Tuấn Anh