Các nhà khoa học đã phát hiện thấy một hành tinh mới có thể tồn tại sự sống, quay quanh quỹ đạo ngôi sao sinh đôi với Mặt trời.

Nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Australia, Anh, Chile và Mỹ đã phát hiện thấy một hành tinh mới có thể tồn tại sự sống. Nó là một trong năm hành tinh có quỹ đạo quay quanh ngôi sao Tau Ceti – nằm cách chúng ta 12 năm ánh sáng và có đặc điểm gần giống Mặt trời.

Ảnh mô phỏng hệ sao Tau Ceti.

Các nhà thiên văn học nhận định rằng các hành tinh quay quanh ngôi sao Tau Ceti có kích cỡ lớn hơn Trái đất từ 2 đến 6 lần. Trong đó, một hành tinh có khối lượng gấp 5 lần Trái đất nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống của ngôi sao Tau Ceti. Đây là khu vực không quá nóng hay quá lạnh, cho phép nước dạng lỏng có thể tồn tại.

Ngôi sao Tau Ceti thuộc chòm sao Cetus và có thể quan sát bằng mắt thường từ Trái đất vào ban đêm. Gia đình hành tinh của ngôi sao Tau Ceti được cho là có khối lượng nhỏ nhất so với Hệ mặt trời được phát hiện từ trước tới nay. Những hệ sao được phát hiện trước đây thường có khối lượng rất lớn.

Các hành tinh quanh ngôi sao Tau Ceti được các nhà thiên văn học phát hiện dự trên dữ liệu tổng hợp từ hơn 6.000 quan sát của 3 kính thiên văn học khác nhau.

Tiến sĩ James Jenkins, thuộc trường đại học Hertfordshire (Anh) và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail: “Tau Ceti là một trong những ngôi sao hàng xóm gần nhất với Hệ mặt trời. Nó rất sáng, nên chúng ta có thể nghiên cứu bầu khí quyển của các hành tinh quay quanh  nó”.

Từ những năm 1990 cho đến nay, có hơn 800 hành tình ngoài Hệ mặt trời được phát hiện. Những hành tinh quay quanh các ngôi sao giống và gần Mặt trời được các nhà thiên văn học quan tâm nhiều nhất. Vì những hành tinh này có thể tồn tại sự sống như trên Trái đất.

Hà Hương