- Ngày 25/12 vừa qua, Công an Hà Nội đã tiến hành bắt giữ khoảng 5.000 lít rượu ngâm cây anh túc tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Từ lâu, loại rượu này đã âm thầm len lỏi từ các huyện vùng cao xuống miền xuôi và được dân nhậu đồn thổi như một loại “thần dược” chữa bách bệnh, nhưng thực tế lại rất dễ gây ngộ độc, có hại cho sức khỏe và thần kinh.

Hàng ngàn chai rượu ngâm cây anh túc bị Công an Hà Nội thu giữ tại cơ sở Thúy Gấu (Mễ Trì,Từ Liêm, Hà Nội).  Ảnh: Bách Sơn - Tuổi Trẻ.

Loại rượu này được đặt tên lóng là “rượu 138”, do dân nhậu dùng ngay tên của Kế hoạch 138 mà lãnh đạo tỉnh Yên Bái giao cho hai cơ quan ban ngành là Sở Nông nghiệp và Công an tỉnh cùng với các huyện Trạm Tấu, Mù Căng Chải kiểm soát, xử phạt những người trồng cây thuốc phiện. Bởi vậy “Rượu 138” hay còn gọi là rượu ngâm anh túc - rượu thuốc phiện đều là một.

Theo tin đồn, loại rượu trên được coi như “thần dược”, không những có tác dụng giảm đau, chữa các bệnh về dạ dày, đường ruột mà còn có khả năng làm tăng cường “năng lực đàn ông”. Muốn tìm mua được rượu hiếm này, người mua phải thông qua mối quen biết, đặt trước và gần đây thường được dùng như một thứ “hàng hiếm” để làm quà biếu.

Trong mỗi bình rượu sẽ có rễ, thân, quả cây thuốc phiện, bình càng nhiều quả thì càng đắt. Giá trung bình từ 1,5-2 triệu đồng/bình 5 lít. Bình rượu chỉ ngâm quả thuốc phiện có giá cao gấp đôi so với rượu ngâm thân cây. Thậm chí, cây thuốc phiện còn được ngâm với rượu ngoại. Một bình rượu Chivas hay Hennessy 5 lít ngâm với hoa anh túc có giá từ 50 - 70 triệu đồng.

Công nghệ sản xuất rượu 138 trên thị trường hiện nay khá đơn giản. Thân cây thuốc phiện rửa sạch, một phần được đun lên để lấy màu, phần còn lại dùng để ngâm rượu vì thế trong các bình rượu này tỷ lệ thuốc phiện có hàm lượng rất thấp… các quả thuốc phiện chỉ được điểm vào cho đẹp mắt, sau đó đóng thành bình bán cho khách có nhu cầu. Hằng năm, vụ cây thuốc phiện thường từ tháng 10 đến đầu năm sau. Nếu muốn ngâm với rượu ngoại thì có thể lấy thân và rễ, quả cây thuốc phiện phơi khô, mang về tự ngâm.

Tuy nhiên, một số người kiểm chứng sau khi uống rượu 138 cho biết đã thấy hệ tiêu hóa có dấu hiệu bất thường và hoàn toàn không có khả năng giúp tráng dương, tăng "sinh lực đàn ông" như những lời đồn thổi.

Theo thông tin từ bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, gần đây, bệnh viện này đã tiếp nhận nhiều trường hợp ở huyện Trạm Tấu bị ngộ độc do sử dụng rượu ngâm cây thuốc phiện. Những người sử dụng rượu ngâm thuốc phiện khi đi thử đều cho kết quả dương tính ma túy 100%.

Nguy cơ ngộ độc chết người

Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E cho biết, khi sử dụng rượu ngâm hoa, quả, cây thuốc phiện, người dùng có khả năng bị nghiện. Việc sử dụng loại rượu này liên tục, trong một thời gian dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe, khiến người sử dụng có khả năng bị tê liệt thần kinh, giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, việc lạm dụng rượu có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, kèm theo đó các bệnh về tim, mạch và tiêu hóa cùng một số cơ quan nội tạng khác, thậm chí có thể suy giảm về nhân cách. Với người sử dụng rượu có ngâm quả thuốc phiện, khi xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với ma túy.

Bên cạnh đó, nếu dùng rượu ngâm cây thuốc phiện với nồng độ đậm đặc và quá liều có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người. Trước đây, trong một số bài thuốc đông y đã dùng quả thuốc phiện khô để trị một số bệnh về đường ruột song chỉ với một liều lượng nhất định, nếu không sẽ gây nghiện. Đến nay, do có nhiều loại thuốc thay thế nên Đông y đã không dùng những vị thuốc liên quan đến cây thuốc phiện nữa. Do chưa có nghiên cứu, tài liệu nào chứng minh nên những lời quảng cáo, đồn thổi về công dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý của loại rượu ngâm rễ, hoa quả, cây thuốc phiện là không có cơ sở.

Theo GS.TS. Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Trong một số bài thuốc đông y, chỉ có nhựa chích từ quả cây anh túc được chiết xuất thành thuốc phiện sẽ được dùng với số lượng rất nhỏ nhằm để phối hợp điều trị một số chứng bệnh. Nhựa cô đặc từ quả thuốc phiện vốn vẫn được dùng như một biệt dược để khống chế những cơn đau, tăng hưng phấn, kích thích chức năng tiêu hóa. Nếu dùng quá liều lượng sẽ gây nghiện, có hại cho hệ thần kinh.

Còn đối với việc dùng thân, rễ, lá cây anh túc để ngâm rượu, ông Bình khẳng định, loại rượu này chẳng có tác dụng gì đặc biệt cả. Theo ông Bình, vẫn biết các hoạt chất gây nghiện của cây anh túc tồn tại ở cả thân, lá, rễ nhưng với hàm lượng rất nhỏ khi đem ngâm với rượu chắc chắn không thể chữa khỏi các loại bệnh như những người bán thứ rượu này quảng cáo. Uống rượu ngâm cây anh túc mà sinh được con trai lại càng hoang đường.

Ông Bình cũng khuyến cáo người sử dụng loại rượu ngâm anh túc hay bất kỳ loại rượu ngâm từ thảo mộc có nguy cơ dễ bị ngộ độc cao nếu dùng quá liều lượng. Sẽ nguy hiểm hơn nếu những loại rượu đó được ngâm, tẩm chui, không được kiểm soát.

Điều nguy hiểm hơn cả là khả năng gây nghiện ma túy của rượu 138 rất mạnh. Chỉ cần uống liên tục khoảng 2 tuần, người sử dụng sẽ có biểu hiện nghiện ma túy, cũng như xét nghiệm nước tiểu có kết quả dương tính với chất ma túy 100%.

Theo quy định của BLHS, những người mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy (với số lượng đã quy định tại Điều 194) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội mua bán trái phép chất ma túy. Chính vì vậy, có một số người cho rằng rượu ngâm cây thuốc phiện không phải là ma túy nên hành vi mua bán, sử dụng loại rượu này không vi phạm pháp luật là không đúng. Sự thật, người vừa uống "rượu 138" nếu xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với ma túy. Đây chính là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP.

  • H.P (tổng hợp)