- Với những kết quả nghiên cứu đặc sắc trên cỗ máy LHC hiện đại nhất trên thế giới, với những điều khám phá bằng thực nghiệm về hạt cơ bản Higgs Boson, năm 2012 chứng kiến cộng đồng khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu CERN đóng góp một bước tiến kỳ diệu vào nhận thức của con người về thế giới vật chất, về vũ trụ mà mình đang sống.

Sự vinh danh thống nhất hiếm có

Năm 2012 đang kết thúc. Nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới đã tiến hành việc xếp loại các sự kiện ấn tượng, nổi bật trong năm ở nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong lĩnh vực khoa học cũng vậy. Hàng loạt cơ quan truyền thông nổi tiếng, gồm nhật báo giấy, báo mạng, tạp chí … đồng loạt tham gia bình chọn và xếp hạng các phát minh khoa học nổi bật nhất của năm 2012. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu liên quan hạt cơ bản Higgs Boson đều được nhiều báo chọn đưa lên đầu bảng xếp hạng.

Báo Khoa học đường dây (Wired Science) đưa bài giới thiệu với tiêu đề : “Phát minh Higgs boson là sự kiện quan trọng nhất năm 2012”.  Tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India) giật tít kiểu khác: “Khâu đột phá khoa học lớn nhất của năm 2012 - phát minh Higgs Boson”.v.v…

Tổng giám đốc của CERN  Rolf Heuer (trái) phát ngôn viên của Thí nghiệm CMS Joe Incandela (phải) chia sẻ niềm vui trước khi bắt đầu một cuộc họp báo công bố những phát hiện mới nhất trong việc tìm kiếm cho hạt Higgs Boson. Nguồn ảnh: CERN

Cơ quan thông tấn AFP, dưới tiêu đề “Phát minh Higgs Boson vút lên đỉnh cao khoa học của 2012” đã nhấn mạnh: Phát minh của hạt Higgs Boson, một hạt không nhìn thấy được giải thích cái bí ẩn của khối lượng, dẫn đầu danh sách 10 sự kiện khoa học năm 2012…. 

Báo Người Giám sát (The Guardian) bình luận: “Khám phá Higgs Boson: Đó là một thời gian cực kỳ căng thẳng nhưng đầy phấn khích …”.

Tạp chí Khoa học (Science) hàng đầu của Mỹ đã công bố danh sách các sự kiện khoa học quan trọng nhất của năm 2012 được nhiều báo chí trên thế giới đăng lại. Đứng đầu danh sách 10 sự kiện nổi bật này cũng là phát minh hạt Higgs Boson.

Trong bài giới thiệu cúa Science, còn chú giải thêm: Higgs Boson, hay còn gọi là “hạt của Chúa”, đã được đặt tên như vậy sau khi Peter Higgs, một nhà khoa học người Anh nay ở tuổi 83 lần đầu tiên vào năm 1964 công bố kết quả nghiên cứu đề xuất về mặt lý thuyết một hạt cơ bản mới còn để trống trong Mô hình chuẩn.

Rõ ràng, sự đề xuất ngôi vị đứng đầu của Top 10 về các thành tựu khoa học thế giới ít khi đạt sự thống nhất cao như trường hợp của phát minh hạt Higgs Boson trong năm 2012 này. Đó là hiện tượng đặc biệt, là vinh dự lớn cho các nhà phát minh về lý thuyết và về thực nghiệm, cho nhà vật lý lý thuyết người Anh Peter Higgs và cho tập thể các nhà khoa học thực ngiệm trên thiết bị LHC ở Trung tâm CERN.

Niềm vui lớn người trong cuộc

Người trong cuộc xứng đáng hẳn là tập thể các nhà khoa học, các kỹ sư và nhân viên đã và đang thực hiện những thí nghiệm vô cùng phức tạp trên hệ thiết bị LHC, một cỗ máy khổng lồ và phức tạp có chức năng gia tốc hai chùm hạt nặng tích điện, bay ngược chiều và cho va chạm nhau để tạo thành hạt rất nặng như hạt Higgs Boson đang mong đợi.

Và đại diện tiêu biểu nhất của cộng đồng phát minh trên đây không ai khác chính là vị Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu CERN, ngài Rolf Heuer.

Trong bài phát biểu cuối năm trước đồng nghiệp cấp dưới ông đã thực sự cởi mở tâm can đối với sự kiện vẻ vang nhất trong đời người làm khoa học. Ông nói: “Những năm trước, đối với tôi thật khó khăn khi tìm cách mở đầu bức thông điệp tất niên, nhưng năm 2012 nay thì khác. Đây là một năm sẽ đi vào lịch sử bởi dấu ấn của một phát minh hàng đầu trong số các phát minh lớn của cỗ máy LHC, một mốc thời gian đặc biệt trong lịch sử khoa học”.

Với sự thận trọng cần thiết, nhưng cũng đầy tự tin, ông đề cập cụ thể hơn các kết quả thu được trong cuộc săn tìm hạt của Chúa: Mặc dù chúng ta chưa biết mọi chi tiết đầy đủ về hạt (sơ cấp hay cơ bản) do chúng ta phát hiện và công bố ngày 04 Tháng 7 (năm 2012 này) trước đông đảo khán thính giả toàn cầu trên một tỷ người, nhưng hạt này được xem là “rất rất” giống với hạt Higgs Boson được đề xuất (bởi Peter Higgs) đầu tiên vào năm 1964.

Nếu điều đó hóa thật và chúng ta sẽ được biết chính xác hơn vào thời khắc nào đó trong vài tháng tới, khi hai nhóm nghiên cứu ATLAS và CMS hoàn thành các số liệu phân tích của mình. Chính lúc ấy Mô hình chuẩn của vật lý hạt cơ bản sẽ được xem là hoàn hảo. Và điều đó sẽ là một thành tựu quan trọng, một sự vinh danh cho tài năng, cống hiến và sự kiên trì của hàng ngàn nhà khoa học và kỹ sư đến từ khắp nơi trên thế giới.

Một khả năng khác (biết đâu có thể xảy ra!) là các hạt mới không phải là một hạt Higgs của chính Mô hình chuẩn. Điều này sẽ khép lại Mô hình chuẩn, nhưng lại đưa chúng ta đi xa hơn. Và cũng sẽ vô cùng thú vị, vì chính nó mở ra con đường mới khám phá một vũ trụ khác nằm ngoài Mô hình chuẩn.

Dù là khả năng nào chăng nữa, trong năm 2012, CERN đã đóng góp một bước tiến kỳ diệu vào nhận thức của chúng ta về vũ trụ mà mình đang sống.

Trong tâm trạng phấn chấn, ông Tổng Giám đôc CERN thổ lộ: Cứ vào đầu mỗi năm, tôi thường đi đến Davos dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Trong mấy năm gần đây, khoa học chỉ đứng bên lề và thiên về trang sức bên cạnh lĩnh vực kinh doanh.

Và ông tin tưởng vai trò của khoa học sẽ được nâng cao trong xã hội. Ông nói: “Trong năm 2013 đến, khoa học hẳn sẽ nằm vào chương trình nghị sự chính thức (của diễn đàn Davos). Trong lộ trình đó, CERN sẽ được đóng vai trò Quan sát viên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các bước phát triển như thế làm cho khoa học có tiếng nói cần thiết trong xã hội ngày nay”.

Trần Minh