Nhà nữ bác học Italia Rita Levi-Montalcici, từ trần vào thời điểm trước khi năm 2012 khép lại – ngày 30/12/2012 - ở tuổi 103, theo thông tin của hãng Reuters.

Nhà bác học lớn của nhân loại - bà Rita Levi- Montalcini sinh ra trong một gia đình Do Thái năm 1909 tại Torino - được thừa hưởng sự thông minh hiếm thấy và lòng khát khao học tập từ cha mẹ là ông Adamo Levi, một kỹ sư điện, đồng thời là một nhà toán học tài năng và bà Adele Montalcini, một họa sĩ nối tiếng của Italia.

Rita Levi-Montalcici. Ảnh: The Guardian.

Lớn lên, đau buồn khi thấy một người bạn thân của gia đình chết vì bệnh ung thư, cô  Levi-Montalcini đã vượt qua được sự phản đối của người cha, cho rằng "một nghề chuyên môn sẽ gây trở ngại cho các bổn phận của người vợ và người mẹ" và ghi tên vào học trường y khoa Torino năm 1930. Sau khi tốt nghiệp năm 1936, bà làm phụ tá cho Giáo sư Levi, nhưng sự nghiệp của bà bị dừng lại do sự phân biệt chủng tộc của chính quyền phát xít Mussolini ngăn cấm người Do Thái làm các nghề “cao cấp”.

Trong Thế chiến thứ hai, bà làm các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm ở ngay phòng ngủ của mình, nghiên cứu sự tăng trưởng của các sợi thần kinh trong phôi của gà. Việc này dẫn tới công trình nghiên cứu căn bản của bà sau này.

Tháng 9/1946, Levi-Montalcini nhận một lời mời tới Đại học Washington tại St. Louis, làm việc dưới sự hướng dẫn của GS Viktor Hamburger. Mặc dù lời mời ban đầu chỉ là một học kỳ, nhưng bà đã ở lại đây 30 năm.

Chính tại đây, bà đã làm công trình quan trọng nhất của mình : Từ các quan sát một số mô ung thư - loại mô gây ra tốc độ tăng trưởng tế bào thần kinh cực nhanh - bà đã tách riêng chất gây tăng trưởng thần kinh (NGF) trong năm 1952. Đó là một chất đặc biệt gây ra sự tăng trưởng và biệt hoá các tế bào thần kinh cảm giác/tình cảm và với thành tựu khoa học lớn này, bà cùng người học trò, đồng thời là trợ lý Stanley Cohen được trao giải Nobel Sinh lý học & Y học năm 1986.

Các nhà khoa học đánh giá đây thực sự là một cuộc cách mạng trong Y học, giúp ta giải thích được cơ chế của sự phân bố thần kinh của các mô và các cơ quan trong cơ thể và nguyên nhân của các bệnh thoái hoá thần kinh cũng như một số bệnh ung thư.

Bà Levi-Montalcini được cử làm giáo sư năm 1958, và năm 1962, bà thành lập một trung tâm nghiên cứu ở Roma, chia thời gian làm việc giữa Rome và St. Louis.

Từ năm 1961 tới năm 1969 bà lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu khoa Sinh học thần kinh (Neurobiology) tại "Hội đồng nghiên cứu quốc gia" (Consiglio Nazionale delle Ricerche, CNR) của  Italia và từ năm 1969 tới năm 1978 lãnh đạo Phòng thí nghiệm Sinh học tế bào.

Ngày 1/8/2001 bà được tổng thống Cộng hòa Ý, Carlo Azeglio Ciampi bổ nhiệm làm thượng nghị sĩ suốt đời.

Ngày 28–29/4/2006, ở tuổi 97, Levi-Montalcini tham gia chính trường, dự các cuộc thảo luận ở thượng viện, trừ khi bận công việc khoa học. Cho tới 2012, Levi-Montalcini là người đoạt giải Nobel già nhất và sống lâu nhất, mặc dù tai bị nghễnh ngãng và mắt gần như bị mù, vẫn đóng góp những ý kiến xây dựng đất nước, đặc biệt đầu tranh cho nữ quyền.

Bà được rất nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế, thành viên của những tổ chức khoa học danh tiếng nhất thế giới. Suốt đời sống độc thân, bà danh toàn bộ thời gian và tâm huyết của mình cho khoa học và cho đất nước.

Bảo Châu