Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu Di sản thành nhà Hồ, cán bộ Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phát hiện một giếng cổ tại làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, cách Thành nhà Hồ khoảng 300m.
Giếng cổ mới được phát hiện ở làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, cách Thành nhà Hồ 300m về phía Đông Nam, giếng có hình tròn, đường kính rộng 2m, sâu 6m, thành giếng tính từ mặt đất lên có chiều cao 1m. Toàn bộ thành, lòng và sân giếng đều được kè, lát bằng gạch. Theo các cụ cao niên trong làng thì gạch bìa dùng để lát giếng là lấy về từ trong Thành nhà Hồ.
Chiếc giếng cổ mới được phát hiện tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. |
Những viên gạch kè giếng có kích thước 50x25x9cm. Trải qua thời gian, nhưng gạch vẫn giữ được màu hồng tươi, cho thấy kỹ thuật nung gạch thời xưa của người dân rất cao. Trên bề mặt nhiều viên gạch có khắc chữ Hán Nôm ghi nguồn gốc nơi sản xuất như: Đại An, Kẻ Nưa, Cổ Lôi (huyện Thọ Xuân ngày nay). Có nhiều viên do rêu phong phủ kín nên chữ mờ khó đọc.
Theo các cụ cao niên ở làng Xuân Giai thì giếng có từ xa xưa, còn chính xác từ thời nào thì không ai trong làng biết rõ. Trước đây, người dân trong làng thường lấy nước giếng về ăn uống, sinh hoạt. Nước giếng rất trong và có vị ngọt nên trong các dịp hội hè của làng đều lấy nước hãm chè. Do đã nhiều năm bị bỏ hoang không có người sử dụng nên hiện nay quanh giếng rong rêu, cỏ dại mọc đầy.
“Việc phát hiện giếng cổ góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thành nhà Hồ và nghiên cứu các làng cổ trong vùng di sản theo khuyến nghị của UNESCO. Hiện Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ trình cơ quan chức năng công nhận di sản đặc biệt cho cụm di sản ở làng Xuân Giai. Về niên đại chính xác liên quan đến sự ra đời của giếng cổ làng Xuân Giai cần có quá trình khảo sát điều tra tư liệu”, ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết.
Theo Dân trí