Một nghiên cứu mới khẳng định, chính thuốc kháng sinh penicillin chứ không phải các viên thuốc tránh thai đã tạo ra cuộc cách mạng tình dục ở châu Âu và châu Mỹ vào những thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước.

Việc dùng penicillin chống lại sự "tác oai tác quái" của bệnh giang mai đã góp phần dẫn tới cuộc cách mạng tình dục ở phương Tây trong những thập niên 1960 - 1970. Ảnh minh họa: Corbis

Tiến sĩ Andrew Francis, nhà kinh tế học thuộc Đại học Emory (Mỹ) và là tác giả của báo cáo nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Archives of Sexual Behavior, tuyên bố: “Mọi người thường cho rằng, cuộc cách mạng tình dục bắt đầu bằng các thái độ dễ dãi của những năm 1960 và sự ra đời của các biện pháp tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai trong thời kỳ này.

Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy, việc sử dụng rộng rãi thuốc penicillin, vốn dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng của bệnh giang mai trong những năm 1950, mới là căn nguyên dẫn tới kỷ nguyên tình dục hiện đại này”.

Theo tiến sĩ Francis, thời hoàng kim của bệnh giang mai ở Mỹ là vào năm 1939, khi nó cướp đi sinh mạng của 20.000 người dân nước này. Vào cuối những năm 1930, đầu 1940, giang mai “tác oai tác quái” như bệnh AIDS. Nỗi sợ hãi mắc giang mai và chết vì căn bệnh này ngày càng lớn.

Dẫu vậy, việc penicillin được dùng phổ biến đã giúp giảm bớt hậu quả của việc quan hệ tình dục dễ dãi. Người dân bắt đầu thoải mái hơn với sex và gia tăng làm “chuyện ấy”. Ông Francis đã so sánh tình trạng này với quy luật cầu trong kinh tế: khi giá của một món hàng giảm xuống, mọi người sẽ mua nó nhiều hơn.

Mặc dù nhiều yếu tố có thể tiếp tục nhen nhóm cuộc cách mạng tình dục trong những thập niên 1960 – 1970 nhưng theo nhà nghiên cứu Mỹ, giai đoạn những năm 1950 và vai trò của thuốc kháng sinh penicillin gần như đã bị coi nhẹ.

Trong báo cáo nghiên cứu của mình, tiến sĩ Francis viết, thập niên 1950 thường được cho là gắn liền với các hành vi tình dục đoan trang và truyền thống hơn. “Điều này có thể đúng với nhiều người trưởng thành, nhưng không nhất thiết được tầng lớp thanh niên ứng dụng. Chúng ta cần phải nhìn nhận đúng về việc giảm nỗi sợ hãi đối với bệnh giang mai (nhờ thuốc kháng sinh penicillin) đã tác động đến các hành vi tình dục như thế nào”, trích bài viết của tiến sĩ Francis.

Khả năng chữa bệnh kỳ diệu của penicillin được khám phá ra năm 1928 nhưng mãi tới năm 1941 mới chính thức được đưa vào sử dụng lâm sàng. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 leo thang và các bệnh lây lan qua đường tình dục đe dọa sức khỏe của binh sĩ ở nước ngoài, người ta mới phát hiện penicillin là dược phẩm hữu hiệu trị bệnh giang mai và tăng cường sử dụng nó như thuốc kháng sinh.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, penicillin trở thành loại thuốc ưa chuộng đối với cả dân thường. Ở Mỹ, căn bệnh giang mai nguy hiểm chết người có thể được chữa trị với chỉ một liều dùng penicillin. Từ năm 1947 – 1957, tỉ lệ tử vong vì bệnh giang mai giảm 75% và tỉ lệ mắc căn bệnh tình dục này sụt giảm tới 95%.

“Đúng vào lúc ảnh hưởng của bệnh giang mai gần chạm đáy, vào giai đoạn từ giữa tới cuối thập niên 1950, chúng ta bắt đầu chứng kiến sự leo thang của các hành vi tình dục buông thả, vốn được thể hiện qua việc tăng lên đáng kể tỉ lệ sinh con ngoài giá thú, tỉ lệ sinh con ở trẻ vị thành niên và tỉ lệ mắc bệnh lậu – một căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nguy hiểm khác", ông Francis nhấn mạnh thêm.

Tuấn Anh (theo Daily Mail)