Sử dụng công nghệ hiện đại, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Virginia ở Mỹ đang nỗ lực khám phá bí ẩn đằng sau một trong những xác ướp lâu đời nhất của Ai Cập.
Viện Bảo tàng Mỹ thuật Virginia ở Richmond đã bắt tay với một trung tâm chụp ảnh y khoa để tiến hành chụp CT cho Tjeby, xác ướp 4.000 năm tuổi.
Tjeby trong quan tài đá. Ảnh: Museum Victoria |
Mục đích của đợt chụp tổng quát lần này là nhằm thu thập thêm thông tin về bản thân xác ướp, cũng như tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật ướp xác thời đầu ở Ai Cập, theo AP.
Thông tin thu thập được sẽ giúp cung cấp nhiều chi tiết về đối tượng nghiên cứu, tạo ra mô hình 3D kỹ thuật số và thậm chí còn tái tạo khuôn mặt của xác ướp.
Có rất ít dữ liệu về Tjeby, người được chôn trong quan tài cắt từ đá tại khu vực gọi là Sheikh Farag ở vùng thượng Ai Cập và đã được khai quật vào năm 1923.
Theo các chuyên gia, Tjeby có niên đại từ 2150 đến 2030 trước Công nguyên, giai đoạn cực kỳ bất ổn ở Ai Cập, với sự sụp đổ của chính quyền trung ương và kinh tế suy thoái.
Nghiên cứu trước đó đoán Tjeby khoảng từ 25 đến 40 tuổi khi chết.
Các chuyên gia hy vọng qua việc dựng mô hình kỹ thuật số 3D, họ sẽ tìm được thông tin về mặt sinh học của Tjeby, như tuổi cụ thể của xác ướp, chế độ ăn uống và nguyên nhân tử vong.
Họ cũng muốn nghiên cứu các vật liệu dùng để ướp xác, và số mô mềm vẫn còn sót lại trong cơ thể, nhằm xác định liệu các cơ quan nội tạng có bị lấy hết như trong trường hợp các xác ướp đời sau.
Theo TNO