Gen của chấy rận có thể hé lộ lịch sử di trú của loài người, theo một nghiên cứu mới.

Kết quả nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí PLOS ONE cũng cho thấy, các nỗ lực nhằm loại bỏ những ký sinh trùng hút máu có thể cần phải tập trung vào cộng đồng dân cư địa phương, thay vì cố gắng tiêu diệt chúng khắp toàn cầu.

Chấy rận là loài ký sinh hút máu động vật linh trưởng, kể cả con người, để sinh tồn. Ảnh: Discovery.

Các phát hiện trên có thể giúp giới khoa học hiểu rõ cách chấy rận đã tiến hóa chống lại thuốc diệt côn trùng như thế nào.

Chấy rận đã hút máu động vật linh trưởng để sinh tồn trong hơn 25 triệu năm qua, mặc dù chúng có thể lần đầu tiên trở thành vật gây hại đối với nhân loại khi con người bắt đầu mặc quần áo.

Do con người thống trị toàn cầu nên chấy rận do đó cũng có mặt khắp hành tinh chúng ta. Các công trình nghiên cứu trước đó từng xem xét hệ gen của chấy rận, nhưng dựa vào ADN được truyền từ những cá thể cái, gây khó khăn cho việc tạo dựng bức tranh hoàn thiện về sự di trú của loài người.

Để khắc phục vấn đề đó, Marina Ascunce, một chuyên gia côn trùng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida (Mỹ) và các cộng sự đã phân tích hạt nhân ADN, vật liệu di truyền được truyền từ cả con đực và con cái, trong 75 mẫu vật thu thập từ 10 địa điểm trên khắp 4 khu vực: châu Á, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và châu Âu. Họ cũng thu thập chấy rận bám trên quần áo của những người ở Nepal và Canada.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, chấy rận từ Honduras rất giống chấy rận ở châu Á.

“Chấy rận từ Honduras có thể được những người đầu tiên đặt chân tới châu Mỹ mang tới. Và đó là lí do tại sao chúng ta nhìn thấy mối quan hệ di truyền gần gũi hơn này”, bà Ascunce nhận định.

Ngược lại, chấy rận từ New York có quan hệ gần gũi hơn với những cá thể ký sinh trùng ở châu Âu. Theo bà Ascunce, điều này dường như phản ánh các làn sóng xâm chiếm thuộc địa của người châu Âu ở Bắc Mỹ trong suốt nhiều thế kỷ.

Ngoài ra, vì không có nhiều luồng gen giữa các cộng đồng chấy rận khác nhau nên thuốc diệt côn trùng có thể hữu hiệu hơn nếu chúng nhắm vào các lỗ hổng di truyền cụ thể đối với từng cộng đồng địa phương.

Bà Ascunce cho biết thêm rằng, mặc dù nghiên cứu của mình mới là bước đầu, việc thu thập mẫu chấy rận rộng rãi hơn, trên toàn thế giới có thể cung cấp cái nhìn ro hơn về việc tại sao chấy rận trên đầu lại khác chấy rận sống bám trên quần áo, có khả năng làm lây lan những căn bệnh chết người.

Phân tích gen cũng có thể hé lộ thời gian và địa điểm người hiện đại giao phối với người Neanderthal và các loài vượn người khác, nhóm nghiên cứu kết luận.

Tuấn Anh (Theo Live Science)