Giới chức Nga đang cân nhắc các kế hoạch bảo vệ Trái đất trước những vật thể bay trong vũ trụ bằng cách sử dụng bom nguyên tử và gắn một ngọn hải đăng theo dõi tiểu hành tinh.


Vệt khói thiên thạch để lại trên bầu trời sau khi nó lao xuống vùng Chelyabinsk của Nga hôm 15/2. Ảnh: RIA Novosti.

Các ý tưởng trên bắt nguồn từ một sự cố hồi tháng trước, khi một thiên thạch phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk thuộc khu vực Urals, miền trung Nga, khiến gần 1.500 người bị thương.

Phát biểu tại một cuộc họp của Thượng viện hôm 12/3, Vladimir Popovkin, giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga, tiết lộ các nhân viên của ông đang tập trung nhận diện những vật thể trong không gian có thể đe dọa Trái đất.

Theo ông Popovkin, một chiến lược kiểm soát các mối họa trên có thể được đưa ra vào cuối năm nay, mặc dù những biện pháp thực thi hữu hiệu có thể chỉ được ứng dụng vào khoảng năm 2020.

Một ưu tiên hàng đầu hiện nay là gắn một thiết bị giám sát cho Apophis – tiểu hành tinh có chiều rộng hơn 300 mét, dự kiến sẽ di chuyển sát gần Trái đất, mặc dù Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố hồi tháng trước rằng cơ hội xảy ra va chạm chỉ là một phần triệu.

“Chúng tôi muốn đặt một ngọn hải đăng trên tiểu hành tinh Apophis để xác định quỹ đạo chính xác của nó cũng như đề ra cách đối phó khi tiểu hành tinh này tiệm cận Trái đất vào năm 2036”, ông Popovkin nói.

Oleg Shubin, một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan hạt nhân quốc gia Nga (Rosatom), nêu ý kiến rằng các tiểu hành tinh kích cỡ lớn có thể bị vũ khí nguyên tử bắn hạ trước khi chúng xuyên thủng bầu khí quyển Trái đất.

Quan chức này nhận định: “Bắn chặn một thiên thạch có chiều rộng hơn 1km sẽ cần phải sử dụng bom nguyên tử có sức công phá hơn 1 megaton (tương đương với sức công phá của 1 triệu tấn thuốc nổ TNT). Đây là một nhiệm vụ khoa học riêng rẽ khác cần phải được giải quyết”.

Trong khi đó, Boris Shustov, giám đốc Viện Thiên văn thuộc Hiệp hội khoa học Nga, cho rằng để phát hiện sớm các vật thể bay sắp tiến gần tới Trái đất, chúng ta cần phải phát triển các loại kính viễn vọng siêu mạnh mới, lắp đặt cả ở trên Trái đất và không gian.

Tuấn Anh (Theo Reuters)