Các nhà khoa học đang quản lý kính thiên văn lớn nhất thế giới vừa hé lộ những hình ảnh ít biết về công cụ và nơi làm việc của họ ở sâu trong sa mạc Chile, một trong những nơi khô hạn nhất thế giới.


ALMA thực chất là một dàn ăng-ten parabol đồ sộ, gồm 66 kính thiên văn radio có đường kính 12 mét và 6 mét, được đặt cách nhau xa nhất tới 16km.

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 13/3, kính thiên văn Atacama Large Millimeter Array (ALMA) đã trở thành kính viễn vọng mạnh nhất trên thế giới. Do thu thập các bước sóng radio thay vì ánh sáng quang học, kính thiên văn này có thể nhìn xuyên qua các đám mây bụi dày đặc sâu trong vũ trụ.

ALMA tọa lạc ở sâu trong sa mạc Atacama thuộc cao nguyên Chajnantor, miền bắc Chile.

Vị trí cao và điều kiện khô nóng giúp hơi nước trong bầu khí quyển không ảnh hưởng tới khả năng quan sát của ALMA

Là sản phẩm hợp tác quốc tế giữa Mỹ, châu Âu, Canada, Đông Á và Chile, ALMA cũng giành thêm kỷ lục kính thiên văn đắt nhất trên Trái đất với trị giá hơn 1 tỷ USD và nằm ở vị trí cao nhất, xấp xỉ 5.000 mét trên mực nước biển, tức là gần gấp 4 lần chiều cao của núi Ben Nevis, ngọn núi cao nhất Vương quốc Anh.

ALMA thực chất là một dàn ăng-ten parabol đồ sộ, gồm 66 kính thiên văn radio có đường kính 12 mét và 6 mét, được đặt cách nhau xa nhất tới 16km. Người ta hy vọng, nó sẽ cho phép các nhà thiên hiểu rõ hơn về những giây phút đầu tiên sau khi vũ trụ hình thành cũng như sự ra đời của các vì sao và hành tinh trong vũ trụ thuở sơ khai.

Do tọa lạc ở một địa điểm cao và khô ráo nằm sâu trong sa mạc Atacama thuộc cao nguyên Chajnantor, miền bắc Chile, nơi hơi nước trong bầu khí quyển Trái đất không thể cảm trở tầm nhìn, nên kính thiên văn ALMA hứa hẹn sẽ mang lại các kết quả khoa học hiếm có nhờ khả năng quan sát ở những bước sóng millimet và thậm chí nhỏ hơn millimet. 

Tuy nhiên, vị trí địa lý đặc biệt này cũng gây không ít khó khăn cho các nhà khoa học đang làm việc ở đây. Để tránh không bị ốm ở trên cao họ phải phân bố làm càng nhiều việc càng tốt ở một trung tâm kiểm soát tọa lạc ở vị trí thấp hơn, cao hơn 2.900 mét so với mực nước biển.

Những cuộc ghé thăm dàn kính viễn vọng cũng càng được rút ngắn càng tốt và các nhà thiên văn học luôn phải mang theo nhiều bình chứa dưỡng khí khi làm việc với từng thiết bị thu nhận tín hiệu của ALMA.

Theo những người điều phối dự án, kính thiên văn ALMA đã bắt đầu các quan sát khoa học từ nửa cuối năm 2011 và truyền những hình ảnh đầu tiên về cho báo giới vào ngày 3/10 cùng năm. Tuy nhiên, mãi tới tháng 3 này, ALMA mới chính thức đi vào hoạt động và hiện vẫn chưa làm việc hết công suất.

Hiện mới có khoảng 50 kính thiên văn radio cấu thành nên ALMA được lắp đặt hoàn chỉnh, khiến kính thiên văn "khủng" nhất thế giới chưa thể làm việc hết công suất.

Các nhà khoa học cho biết, thông tin mà dàn kính viễn vọng thu thập được từ những bước sóng radio mờ nhạt trong không gian sau đó sẽ được truyền tới một siêu máy tính để xử lý.

Phát ngôn viên của Đài quan sát Nam Âu, tổ chức đồng điều phối các khoản đầu tư cho dự án thiên văn ALMA, tuyên bố: “Kính thiên văn ALMA sẽ đóng góp một phần đáng kể giúp thỏa mãn sự tò mò, không chỉ của các chuyên gia nghiên cứu mà còn cả những đứa trẻ ngước nhìn lên bầu trời đầy sao và tự hỏi đó là gì và chúng ta đang ở đâu trong vũ trụ”.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)