Trong ấn bản mới đây của tạp chí Pacific Standard, Louisa Lombard - một nhà nhân chúng học đến từ Đại học California ở Berkeley, Mỹ đã mô tả việc tới thăm một thị trấn nhỏ ở Nước Cộng hòa Trung Phi và gặp gỡ 2 người đàn ông tuyên bố bị trộm “cậu nhỏ”.

Trong những năm gần đây, truyền thông ở nhiều quốc gia Tây Phi đã đưa tin về nhiều trường hợp thông báo bị teo nhỏ hoặc "biến mất" dương vật sau khi vô tình đụng chạm vào cơ thể người lạ trên đường. Ảnh minh họa: Daily News

Chuyện kể rằng, vào một ngày nọ, một du khách tới thăm thị trấn đã bắt tay một người bán trà xanh, kẻ ngay lập tức la lên rằng anh ta cảm thấy một cơn chấn động và cảm thấy dương vật của mình đã bị teo nhỏ. Người đàn ông đáng thương kêu khóc ầm ĩ, khiến đám đông bu quanh anh ta. Ngay sau đó, người đàn ông thứ hai tuyên bố điều tương tự cũng đã xảy ra với anh ta.

Đây hoàn toàn không phải một trò đùa được dàn dựng mà là một rối loạn tâm lý thực sự có tên gọi “koro”. Những nạn nhân của hội chứng này (chủ yếu là đàn ông, nhưng đôi khi cả phụ nữ) tin rằng cơ quan sinh dục của họ đang teo nhỏ hoặc co rút vào bên trong cơ thể. Sự lo lắng không phải chỉ vì khả năng tình dục mà còn cả vì cuộc sống của họ do những người này tin rằng “tổn thương” ấy có thể đe dọa tính mạng nếu không được vãn hồi lại như cũ. Theo các nguồn tin, để ngăn ngừa xảy ra co rút hơn nữa, các nạn nhân thường dùng dây hoặc kẹp kim loại để giữ chặt “cậu nhỏ”, thậm chí đôi khi họ còn yêu cầu người thân trong gia đình thay nhau “giữ hộ” cho đến khi tìm được cách điều trị ở những thầy lang hoặc thầy phù thủy.

Hội chứng koro được ghi nhận xảy ra thường xuyên nhất ở châu Phi trong những thập niên gần đây, mặc dù nó cũng được biết đến rộng rãi ở châu Á.

“Những năm gần đây, truyền thông ở nhiều quốc gia Tây Phi đã đưa tin về các giai đoạn xảy ra theo chu kỳ của ‘sự khiếp sợ’, trong đó, đàn ông và phụ nữ bị đánh đập, đôi khi tới chết sau khi bị buộc tội khiến dương vật, ngực và bộ phận sinh dục của người khác teo nhỏ hoặc biến mất. Ít nhất 56 trường hợp riêng rẽ về việc teo nhỏ, biến mất và bị cắt trộm bộ phận sinh dục được báo chí đưa tin xảy ra tại 7 nước Tây Phi trong giai đoạn 1998 – 2005 ”, hai tác giả Vivian Dzokoto và Glenn Adams viết trong một báo cáo nghiên cứu đăng tải năm 2005 trên tạp chí Culture, Medicine and Psychiatry.

Các nạn nhân mắc “koro” thường tin rằng, một lần vô tình chạm hoặc đụng vào cơ thể của một người lạ mặt có thể khiến họ “bị mất cắp”, tương tự như cách một tên móc túi trộm mất cái ví của bạn. Hai nhà nghiên cứu Dzokoto và Adams đã lấy ví dụ về trường hợp một nam thanh niên 17 tuổi ở Ghana “quả quyết rằng khi đang trên đường trở về sau khi đi lấy nước về cho cha, thủ phạm đã đi phía sau, chạm vào cậu ta và khiến cậu ta ngay lập tức cảm thấy dương vật của mình teo nhỏ cho tới khi biến mất hoàn toàn”.

Hội chứng koro có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Từ góc độ tâm lý, nó có thể được xem như là một ví dụ của bệnh rối loạn phân ly tập thể hoặc phát cuồng đám đông. Đây là một căn bệnh tâm thần, trong đó rối loạn bắt đầu ở một cá nhân rồi phát thành dịch trong một tập thể lớn thông qua phản ứng lây lan dây chuyền.  

“Nạn nhân của nỗi khiếp sợ teo nhỏ cơ quan sinh dục thường hồi phục trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi được thuyết phục rằng ‘bệnh’ của họ đã hết hoặc chưa từng tồn tại. Hầu hết trong số học rõ ràng cũng không bị bất kỳ vấn đề tâm lý tình dục nào”, nhà nhân chủng học Robert Bartholomew và cộng sự viết trong cuốn sách “Hoaxes, Myths, and Mania: Why We Need Critical Thinking”.

Ở các quốc gia tiểu vùng Sahara của châu Phi, kẻ bị tố cáo làm teo nhỏ cơ quan sinh dục của người khác có thể bị đám đông xử tử ngay tại chỗ. Ảnh: WordPress

Theo các tác giả này, “nỗi sợ bị co rút “cậu nhỏ” là dấu hiệu cảnh báo rằng không ai được miễn dịch trước hội chứng điên loạn tập thể và rằng ảnh hưởng của văn hóa và xã hội tới hành vi cá nhân lớn hơn nhiều hơn so với những gì chúng ta muốn công nhận. Tuy nhiên, lý do chính cho sự tồn tại của nỗi khiếp sợ dương vật bị teo nhỏ trong các xã hội phương Tây nằm ở bản chất đáng kinh ngạc của chúng ... Dẫu vậy, bất cứ ảo tưởng nào đều có thể xảy ra nếu niềm tin sai lầm ẩn sau nó được chấp nhận”.

Trong trường hợp này, ảo tưởng trở thành “dịch” vì niềm tin phổ biến vào phù thủy hoặc ma thuật. Một cuộc khảo sát năm 2010 phát hiện, niêm tin vào ma thuật phổ biến ở khắp các tiểu vùng Sahara của châu Phi. Cácnghiên cứu ở 18 nước thuộc khu vực này cho thấy, niềm tin vào ma thuật rất khác nhau, nhưng trung bình có tới 55% số người được hỏi tin vào thuật phù thủy. Vì hầu hết người phương Tây không tin có phép lạ hoặc ít nhất vào khả năng làm teo nhỏ hoặc chạm nhẹ có thể trộm được cơ quan sinh dục của ai đó, nên không có hệ thống niềm tin sâu xa nào có thể chấp nhận hội chứng koro và do đó không có trường hợp rối loạn nào như vậy được thông báo.

Chưa có ai từng bị chết vì hội chứng koro, ít nhất một cách trực tiếp. Dẫu vậy, niềm tin vào hội chứng này có thể dẫn đến những hậu quả chết người: hàng trăm người bị buộc tội đánh cắp hoặc làm teo nhỏ bộ phận sinh dục của người khác và hàng chục người đã bị thảm sát vì các cáo buộc như vậy.

Trong nhiều trường hợp, các "nạn nhân" của koro đã la to và đề nghị những người xung quanh giúp bắt được “kẻ trộm dương vật”. Và rồi những người bị buộc tội, thường vô cùng ngạc nhiên như những người khác và khẳng định mình vô tội, đã bị đám đông hành hình ngay tại trận, giống như cách những tên trộm hoặc kẻ hiếp dâm phải chịu hình phạt của “công lý đường phố”.

Tuấn Anh (Theo Live Science)