Trước mắt các du khách đến tắm biển ở thành phố Coronel, gần thủ đô Santiago (Chile), chỉ thấy toàn một màu đỏ. Đó là xác những sinh vật biển chết dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời. Mùi tanh bao trùm bầu không khí.

Ngay cả ngư dân sống lâu đời ở đây cũng kinh hoàng khi thấy một số lớn tôm, cua và nhiều sinh vật biển khác bỗng dưng dạt vào bờ phơi mình nằm chết, gây ra một hiện tượng kinh hoàng, báo Sky News cho hay. 

Cái chết của hàng triệu loài động vật chân đốt làm chính quyền địa phương sửng sốt. Cảnh sát dắt theo chó cảnh vệ đi tuần tra trên các bãi biển theo yêu cầu của ban chuyên án. Một Uỷ ban về tình trạng khẩn cấp được thành lập để tìm cách xử lý hiện trạng. Đó là điều mà đại diện Cục bảo vệ và bảo tồn văn hoá Chile là Victor Casanova tường thuật lại.

"Không loại trừ đây là một vụ tội phạm, do kẻ nào đó cố tình phá hoại môi trường”, ông nói. Ngay trên bờ biển người ta đã lấy những mẫu nước mang xét nghiệm, đo nhiệt độ và độ dẫn điện riêng. Nhiều nhân chứng được triệu tập để lấy lời khai.

Các ngư dân địa phương quy kết thảm hoạ này cho hai nhà máy phát điện thuộc Công ty điện lực Colbun, đặt không xa nơi này. Nhà máy dùng nước biển để làm lạnh các thiết bị, do vậy nước biển bị nóng lên đến nhiệt độ mà các sinh vật sống ở ven biển không thể chịu đựng nổi. Chúng đã bị “luộc” và chết hàng loạt rrồi bị sóng biển đưa lên bãi. Khi được mời lên khai trước ban điều tra, những giải thích và biện bạch của Công ty Colbun tỏ ra rằng họ đã biết trước tình hình này sẽ xảy ra và rất lo lắng.

"Tôi năm nay đã 69 tuổi. Tôi bắt đầu làm nghề đánh cá cách nay đã 60 năm, đi biển từ lúc mới 9 tuổi những chưa bao giờ thấy hiện tượng gì tương tự”, một ngư dân sống ở đây nói với phóng viên Đài Truyền hình Bio-Bio của Chile.

Trong thời gian vừa qua trên các bãi biển các nước Nam Mỹ không ít lần người ta chứng kiến những hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt và trôi dạt vào các bãi biển, báo Sky News nhận xét. Chẳng hạn ngay tháng hai vừa qua, trên bãi biển Peru có cuộc “tự sát” lớn (khi chưa biết nguyên nhân, người ta thường bảo là chúng “tự sát”) của rùa, chim biển, cá heo, cá mập và nhiều sinh vật khác.

Các chuyên gia thì cho rằng cái chết hàng loạt của  các cư dân dưới biển khơi có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau: do nhiễm các vi khuẩn lạ, do tình hình ô nhiễm nước từ đất liền vì nước thải các nhà máy công nghiệp nằm ở ven biển đổ ra đai dương và cũng có thể do sự cố tình đầu độc.

Bảo Châu (Theo newsru.com)