Một công trình nghiên cứu mới đã chứng minh rằng vật thể vũ trụ va chạm với Trái dất dẫn đến sự tuyệt diệt khủng long cách nay 65 triêu năm là sao chổi chứ không phải là một tiểu hành tinh như những giả thuyết trước đây, tờ Live Science cho hay.

Người chủ trì nghiên cứu nói trên là ông Jason Moore, một nhà cổ sinh vật học tại Trường Dartmouth College (bang New Hampshire, Mỹ) cho biết hố sâu khổng lồ Chicxulub trên bán đảo Yucatan (Mehico) hình thành do sự va chạm với Trái đất của một vật thể nhỏ hơn nhưng nhanh hơn so với đối tượng giả định trước đây.

Sao chổi chứ không phải thiên thạch là thủ phạm khiến loài khủng long hủy diệt.

Từ lâu, nhiều nhà khoa học cho rằng đó là một tiểu hành tinh và chính nó là nguyên nhân huỷ diệt toàn bộ loài khủng long.

"Mục đích chung của dự án là tìm ra “thủ phạm” đích thực đã gây ra hố sâu trên bán đảo Yucatan”, ông Moore mói với phóng viên BBC News.

Vụ va chạm của thiên thạch tạo ra một lớp trầm tích có hàm lượng nguyên tố hoá học Iridium chất lượng cao, là điều mà trên Trái đất không hề có. Khi so sánh hàm lượng Osmium, cũng là một nguyên tố do các thiên thể mang lại bám vào miệng hố đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng: thiên thạch đó tạo ra ít mảnh vỡ hơn. Điều này cho thấy vật thể va chạm vào Trái đất nhỏ hơn so với các giả thuyết cũ. Thiên thạch nhỏ như vậy mà tạo ra một hố có đường kinh tới 180km, chắc chắn nó phải bay rất nhanh.

Ông Moore giải thích: "Nếu một tiểu hành tinh mang tới Trái đất một lượng Iridium và Osmium lớn đến vậy, nó phải có đường kính đên 5km. Song dù thế đi chăng nữa, nó cũng không thể tạo ra được một cái hố khổng lồ có đường kính tới 200km. Cho nên chúng tôi khẳng định rằng để có đủ năng lượng tạo ra một hố lớn như thế phải là một sao chổi”.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhà khoa học không đồng ý với lý giải của ông Moore.

Tiến sĩ Gareth Collins, một chuyên gia nghiên cứu những vết nứt do va chạm thuộc Imperial College London, cho rằng, không thể xác định chính xác vật thể va chạm chỉ dựa trên địa hoá học, vì địa hoá học chí áp dụng cho các khối thiên thạch phân bố trên toàn cầu chứ không thể biết được tổng khối lượng của vật thể va chạm vào Trái đất.

Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng 75% khối lượng các thiên thạch rơi rải rác trên Trái đất, nhưng ông Collins lại cho rằng trên 20% đến từ tiểu hành tinh kích thước lớn và bay chậm hơn.

Bảo Châu (Theo Scienceworldreport.com)