Các nhà khoa học đã phát hiện thấy năng lượng tạo ra bởi các protein trên bề mặt vi khuẩn có thể được chuyển hóa thành điện. Phát hiện đột phá này có thể giúp tạo ra một nguồn điện “sạch” từ vi khuẩn.

Các nhà sinh vật học thuộc trường đại học Đông Anglia (Anh) đã tạo ra phiên bản nhân tạo của vi khuẩn sống dưới biển có tên là Shewanella oneidensis. Sau đó, họ tiến hành đưa vi khuẩn vào những lỗ trên các quả nang mỡ hay lipit.

Vi khuẩn Shewanella oneidensis có thể được khai thác để tạo ra điện sinh học.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các điện tử di chuyển như thế nào giữa chất tạo ra điện trong cơ thể vi khuẩn và khoáng chất chứa sẵn ở bên ngoài. Kết quả cho thấy vi khuẩn có thể vận chuyển điện từ cơ thể của nó sang kim loại và khoáng chất.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các protein trên bề mặt vi khuẩn có thể trực tiếp chuyển các điện từ sang khoáng chất và tạo ra một dòng điện”, tiến sĩ Tom Clarke, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Các nhà khoa học cho rằng vi khuẩn có tiềm năng rất lớn để tao ra pin nhiêu liệu sinh học, sử dụng nguồn điện được sinh ra từ quá trình vi khuẩn phân hủy rác thải nông nghiệp và sinh hoạt. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể được sử dụng cho các lò phản ứng sinh học để tạo ra một nguồn điện hoàn toàn sạch.

Các loại pin sinh học được tạo ra trong tương lai sẽ cực kỳ hữu ích ở những vùng không có ánh nắng mặt trời. Chúng cũng có thể được sử dụng để cung cấp điện cho các thiết bị điện tử cầm tay hay ô tô chạy bằng điện.

Tiến sĩ Tom Clarke hy vọng những loại pin dựa trên công nghệ mà ông đang nghiên cứu có thể được đưa ra thị trường trong vòng 10 năm tới.

Hà Hương (Theo Daily Mail)