Đôi khi sự tình cờ lại là một dịp may lớn, ngay cả với nền khảo cổ học hiện đại cũng vậy. Và một trong những điều "may mắn" lớn lao đã xảy đến với nền văn minh hiện đại tại Bahariya, vùng lãnh thổ heo hút cách thủ đô Ai Cập gần 400km.
Khi người gác đêm ở ngôi đền thờ Alexander Đại đế - có niên đại cách đây 24 thế kỷ - đang chậm rãi cưỡi con la nhỏ trên đường trở về nhà, độ 1km cách tòa thánh đường, bỗng chú la không lê bước nổi nữa. Nó đã bị sa lầy trong cát… Viên tuần cảnh buộc phải nhảy xuống đất nhằm giúp con vật thoát ra khỏi vùng lầy. Té ra chàng "kỵ mã" của ông ta bị sa chân xuống một cái hố nhỏ - rất hiếm gặp nơi đây.
Mất hẳn vẻ ngái ngủ cố hữu, người bảo vệ rút chân con la lên và phát hiện… một xác ướp bọc vàng!", đó là nguyên văn lời tường thuật của Zahi Hawass, đương kim Tổng giám đốc các khu di tích tại Sahara, một cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Ai Cập.
Ông Z. Hawass kể tiếp: "Theo luật định, khu vực vừa được khám phá phải do cơ quan chúng tôi phong tỏa ngay, trước khi giới khảo cổ học được mời tới… Và chúng tôi đã thực thi đúng như vậy, bất chấp điều kiện thời tiết của chốn này".
Rồi ông tay chỉ ra hướng hoang mạc, nơi có cả trăm khối đất vuông vức đổ thành đống, khiến màu đất nâu mới "át" hẳn màu xám trắng cố hữu giữa chốn sa mạc: Đó chính là công trường khai quật lần lượt 150 quần thể lăng mộ ở Bahariya suốt mấy năm qua. Bất cứ huyệt mộ nào cũng đều hiện hữu xác ướp cả, bởi thế cho nên giới khảo cổ học mới gọi nơi đây là "Thung lũng của các xác ướp".
Ở thời các pharaoh trị vì, chỉ có giới tăng lữ quý tộc chức cao quyền trọng mới được phép ướp xác, thì giờ đây ngay cả giới trung lưu cũng có được cái diễm phúc ấy. Như Giáo sư Nasri Iskander, Giám đốc Bảo tàng Ai Cập học tại Cairo, cho biết: "Trong thời hậu Alexander, người ta đua nhau ướp xác người thân. Đa phần họ chạy theo trào lưu tập tục truyền đời, mà chẳng hiểu tại sao… Dưới thời các pharaoh, mọi nội tạng trong cơ thể người đều được lấy đi trước khi ướp. Thi thể được ngâm trong dung dịch muối cho khô và dễ bó hơn.
Độ 40 ngày sau xác được quấn dày bởi những sợi lanh, rồi được đặt vào và bao bọc qua 2 lớp áo quan gỗ hình chữ nhật chồng lên nhau, cuối cùng mới là cỗ quan tài chính bằng đá khối. Đầu người chết thường đặt quay về hướng đông, để khi đầu thai - tái sinh trong kiếp sau sẽ được nhìn thấy ngay ánh mặt trời soi đường chỉ lối…".
Quả thực thung lũng các xác ướp rộng lớn hơn nhiều so với những điều mà giới khoa học thế giới vẫn tưởng: những quần thể mồ mả ngầm dưới lòng đất trải dày đặc suốt cả một diện tích rộng tới 36km2. Trong thời cổ ở đây từng là nơi sống của khoảng 30.000 dân, chủ yếu là nông dân, thợ thủ công và người làm vườn. Hiển nhiên từng hiện hữu một chốn nghĩa địa khổng lồ nơi này".
Hơn 700 hiện vật tại Bahariya đã được các nhà khoa học tìm thấy, phần lớn đang được bảo quản trong kho lưu trữ chuyên ngành thuộc Trung tâm Bảo tồn quốc gia đặt tại thành phố El Bawiti.
Xem video:
N.Tân (Theo Kiến thức)