Chi tiêu và thủ tục thanh toán đang là những rào cản lớn trong công tác nghiên cứu khoa học, nhà khoa học muốn có tiền nghiên cứu buộc phải “lách” quy định hoặc chắt chiu từng đồng kinh phí.

Nghiên cứu có… định mức

Trong suốt 3 năm nghiên cứu về công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác, PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi (Trường ĐH Y Hà Nội) cùng các đồng nghiệp phải “chắt chiu” mua từng ml hóa chất để thực hiện các thí nghiệm.

Không chỉ vậy, các nhà khoa học tham gia công trình còn không dám tính đến thù lao từ việc nghiên cứu, đọc tài liệu đến viết bài, viết quy trình điều trị,...

Đây không phải trường hợp hy hữu trong nghiên cứu khoa học. Bởi theo cơ chế tài chính hiện nay, để phê duyệt kế hoạch nghiên cứu hàng năm thì Bộ KH&CN phải xây dựng kế hoạch trước khoảng 18 tháng để chuyển Bộ Tài chính trình Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc cấp phát kinh phí cho các dự án, đề tài thường đến tay các nhà khoa học chậm hàng năm trời.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, “Trong 2% ngân sách nhà nước (khoảng 15.000 tỉ đồng) chi cho KH-CN, thì 90% trong số này dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Tức nguồn này chủ yếu để nuôi bộ máy các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước (hơn 6.000 người làm NCKH và 1.600 tổ chức KH-CN từ trung ương đến địa phương) và đầu tư trang thiết bị... Trong khi, phần dành cho hoạt động NCKH chỉ có 10% (khoảng 1.500 tỉ đồng) và chi cho tất cả các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ đến cấp cơ sở... "

Ngoài ra, rất nhiều nội dung quan trọng trong nghiên cứu lại chưa được quy định như chi phí thuê các chuyên gia, chi phí đăng ký sáng chế, công bố quốc tế, chi phí tuyên truyền kết quả nghiên cứu,… Trong khi những thủ tục thanh quyết toán lại chi li, cứng nhắc.

Hệ lụy của hạn chế này dẫn đến nhiều năm nay, không ít nhà khoa học buộc phải chia đề tài nghiên cứu thành rất nhiều chuyên đề để có được một bản quyết toán “đẹp” với kho bạc.

PGS.TS Nguyễn Thị Bình - đồng sự của PGS.TS Lợi trong đề tài nghiên cứu ứng tế bào gốc cũng tâm sự, "Chúng tôi chỉ mong muốn được tập trung hoàn toàn vào làm khoa học mà không phải phân tán bởi các việc không phải là khoa học (như thủ tục hành chính, thủ tục thanh toán, mua bán....)."

{keywords}
Ảnh minh họa.

DN "tiếp lửa" nghiên cứu khoa học

Năm 2013 được xem là năm tăng tốc để tạo lực đẩy mới cho khoa học và công nghệ (KHCN) Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đặc biệt nhấn mạnh là tiếp tục xây dựng chính sách trọng dụng nhà khoa học.

Để “cởi trói” cơ chế, tạo điều kiện cho nhà khoa học toàn tâm toàn ý với nghiên cứu khoa học, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi, bổ sung Luật KHCN năm 2000, trong đó quy định các DN Nhà nước và khuyến khích DN thuộc các loại hình kinh tế phải dành một phần lợi nhuận để đầu tư phát triển cho KHCN.

Hiện nay, đã có một số nguồn lực doanh nghiệp bắt đầu “chung tay” vào đầu tư nghiên cứu khoa học. Mới xuất hiện trong hệ thống giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học, giải thưởng Bảo Sơn đã ngay lập tức gây ấn tượng với giá trị tiền mặt lên đến 20.000USD trong năm đầu tiên và 30.000USD trong năm thứ 2. Được biết, giá trị giải thưởng sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.

TS. Nguyễn Đức Thành đánh giá, “Trong cách nhìn của tôi, hoạt động của giải Bảo Sơn có ý nghĩa như những chồi non về một xã hội hiện đại phát triển theo chiều ngang ở Việt Nam. Quy mô của giải cũng không hề nhỏ và quyết tâm của ông chủ tịch quỹ Bảo Sơn cũng rất lớn trong việc duy trì và phát triển giá trị cũng như danh tiếng của giải. Càng có nhiều đóng góp từ giới doanh nhân như vậy cho giới khoa học thì nền khoa học của nước ta càng có điều kiện phát triển nhiều hơn.”

Tham gia giao lưu trực tuyến tại VietNamNet, nhóm các nhà khoa học đều tán đồng quan điểm: “Chúng tôi làm khoa học không phải vì giải thưởng, tuy nhiên giải thưởng dù ít dù nhiều cũng là nguồn động viên và sự ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi.”

Bởi vậy, mô hình giải thưởng Bảo Sơn rất đáng được nhân rộng và khuyến khích và đây cũng là xu hướng của thế giới, trong đó các doanh nghiệp đầu tư và tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ.

Giải thưởng Bảo Sơn 2012 vừa vinh danh 2 công trình nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực Y Dược và Phát triển bền vững:

- “Chuỗi Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012”, nhóm tác giả . Chủ biên: TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách .

- “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người”, nhóm tác giả. Trưởng nhóm thực hiện: PGS.TS Đỗ Doãn Lợi (Đại học Y Hà Nội).

Dự kiến, Giải thưởng Bảo Sơn 2013 sẽ được phát động vào tháng 5/2013 với mức giải thưởng lên đến 40.000 USD cho mỗi giải dành cho 05 lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, cải cách giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, phát triển bền vững, y dược học và văn học nghệ thuật.
  • D. An