- Mặc dù không thể lượng hóa thành con số cụ thể, song chắc chắn rằng, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang ngày một nặng nề hơn, PGS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường khẳng định.

Tại buổi giới thiệu Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam năm 2012 diễn ra sáng nay, 17/4 tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, PGS Trần Thục cho biết, mặc dù việc đánh giá thiệt hại của biến đổi khí hậu không nằm trong phạm vi của kịch bản, song các nhà khoa học cũng đã có những nghiên cứu riêng về vấn đề này.

{keywords}
PGS.TS Trần Thục (giữa) trong buổi giới thiệu Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cập nhật năm 2012. Ảnh: L.V.

   
Ông Thục cho rằng, việc lượng hóa con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra là việc rất khó thực hiện. Bởi lẽ, biến đổi khí hậu tác động tới nhiều yếu tố tự nhiên môi trường, kinh tế cũng như đời sống xã hội khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng chung là thiệt hại gây ra do biến đổi khí hậu đang ngày càng lớn hơn.

“Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng nhiều hơn và ác liệt hơn. Do vậy, thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu cũng ngày càng nhiều hơn là điều đương nhiên”, ông Thục nói.

Trên thực tế, dù chưa thể lượng hóa được thiệt hại tổng thể do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu song chỉ tính riêng những thiệt hại do thiên tai gây ra những năm gần đây cũng đã là một con số rất lớn.

Theo một báo cáo của Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương thì trong 5 năm qua (2008-2012), thiệt hại do thiên tai về tài sản ước tính gần 74.000 tỷ đồng, tăng trên 19.300 tỷ đồng so với 5 năm trước. Tỷ lệ thiệt hại về tài sản so với tổng sản phẩm quốc nội thời kỳ 2008-2012 là 1,48% GDP/năm, trong đó tỷ lệ tương ứng của năm thấp nhất (2011) là 0,94% GDP, năm cao nhất (2009) là 2, 47% GDP.

Trong khi đó, những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, tốc độ của biến đổi khí hậu cũng đang nhanh hơn. Việc phát thải khí nhà kính nhiều hơn, khiến nhiệt độ tăng nhanh là nguyên nhân khiến tốc độ biến đổi khí hậu nhanh hơn so với dự báo, ông Thục lý giải.

Sự tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu tới đời sống kinh tế xã hội đòi hỏi không chỉ trung ương mà các tỉnh thành địa phương phải nhận thức được đầy đủ cũng như kịp thời có các biện pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo ông Trương Đức Trí – Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, hiện tại chỉ mới có 43 trên tổng số 65 tỉnh thành phố ban hành kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu là vấn đề mới, khó, tính liên ngành cao. Do vậy, các địa phương ít bị tác động bởi biến đổi khí hậu vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc đánh giá tác động cũng như ban hành kế hoạch hành động cụ thể đối với địa phương mình”, ông Trí nói.

Kịch bản biến đổi khí hậu là một nhân tố quan trọng của quy trình đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của các bộ ngành, địa phương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2009, Bộ TN&MT đã xây dựng và công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. Tới năm 2012, Bộ TN&MT tiếp tục cho công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cập nhật chi tiết tới năm 2012 tại Việt Nam.
Kịch bản mới đã bổ sung các dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu và các phương pháp tinsht oán mới để đưa ra các kịch bản chi tiết hơn, có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn hơn.

   
Lê Văn