Tên lửa đẩy Vega đã trải qua khâu phê chuẩn cuối cùng để có thể thực hiện chuyến bay đúng 9h6p sáng mai, 4/5 (giờ HN), mang theo vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 cùng 2 vệ tinh khác lên quỹ đạo.

{keywords}
Toàn cảnh bãi phóng Kourou và tên lửa đẩy Vega tại thời điểm ngày 3/5 (giờ HN).

Thông tin từ bãi phóng Kourou thuộc French Guiana cho hay, các khâu chuẩn bị và kiểm tra cuối cùng về kỹ thuật, hệ thống điều khiển... đều đã được hoàn tất. Các vệ tinh cũng đã được đưa thành công vào khoang trong của tên lửa đẩy, sẵn sàng cho hành trình vào không gian.

Sau 2 tiếng rời mặt đất, VNREDSat-1 sẽ đến vị trí "tập kết" và tự di chuyển đến quỹ đạo đã định để đi vào hoạt động. Vega sẽ giải phóng các vệ tinh theo quỹ đạo quay cùng chiều với mặt trời, trong đó, Proba-V sẽ hoạt động ở quỹ đạo 820km còn VNREDSat-1 và ESTCube-1 dự kiến hoạt động ở độ cao 665km.

Proba-V nặng 140kg, có sứ mệnh hỗ trợ nghiên cứu các công nghệ không gian mới. Trong khi đó, ESTCube-1 là vệ tinh đầu tiên của Estonia, do một nhóm sinh viên của Đại học quốc gia nước này thiết kế, phát triển và nhận được sự hỗ trợ từ Viện thiên văn Phần Lan cùng Trung tâm Không gian Đức. Vệ tinh này chỉ nặng 1,33kg và mang tính thử nghiệm các công nghệ gió mặt trời điện tử, phục vụ cho các dự án nghiên cứu không gian trong tương lai của Estonia.

Trước đó, ngày 6/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Viện Khoa học Công nghệ VN sử dụng tên lửa đẩy Vega để phóng vệ tinh viễn thám với các mục đích: quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai lên quỹ đạo.

Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro bằng nguồn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và có 64.820 triệu đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1 được thiết kế và tư vấn bới Công ty Astrium SAS thuộc Tập đoàn Hàng không vũ trụ quốc phòng Châu Âu (EADS) chuyên sản xuất vệ tinh của Pháp.

Sau khi thực hiện thành công Dự án, Việt Nam sẽ chủ động cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao cho các Bộ, ngành và các tỉnh thành có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thảm hoạ thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Dự án VNREDSat-1 là sự phối kết hợp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có của Hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên Môi trường, nhằm tạo ra một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam.

Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và 4 kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại là 3 ngày. Vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), độ cao là 680 km. Độ phân giải mặt đất là 2,5m (PAN) và 10m (MS). Vệ tinh có kích thước 600mm x 570mm x 500mm và nặng khoảng 120kg. Tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm.

Y Lam