Các nhà khoa học đang tiến gần hơn tới việc nhân bản vô tính người, một vấn đề từ lâu đã gây tranh cãi, sau khi trích lấy thành công các tế bào gốc từ những phôi người được tạo ra trong phòng thí nghiệm.


{keywords}

Một trứng người hiến tặng trên ống hút thí nghiệm trước quá trình trích lấy hạt nhân ở giai đoạn đầu của kỹ thuật mới. Ảnh: OHSU.

Mặc dù trước đây các nhà nghiên cứu từng nhân bản vô tính được phôi của người nhưng không có bất kỳ tế bào gốc khỏe mạnh nào được trích lấy từ chúng. Bằng cách sử dụng một kỹ thuật tương tự như kỹ thuật giúp nhân bản vô tính cừu Dolly, các chuyên gia đến từ Đại học Y và Khoa học Oregon (Mỹ) lần đầu tiên trên thế giới đã tạo nên kỳ tích này.

Trước tiên, tiến sĩ Shoukhrat Mitalipov và các cộng sự đã lấy trứng do các phụ nữ khỏe mạnh hiến tặng và loại bỏ ADN của chúng. Sau đó, ông đưa các tế bào da vào bên trong những quả trứng "rỗng" này và kích thích điện để giúp chúng bắt đầu phát triển thành phôi thai.

Khi các phôi được 5 - 6 ngày tuổi và có kích cỡ tương đương một đầu kim, nhóm nghiên cứu đã "thu hoạch" thành công các tế bào gốc từ chúng. Những tế bào thu được này có thể biến đổi thành mọi dạng tế bào trong cơ thể và được nhìn nhận là có tiềm năng giúp hàn gắn và sửa chữa các mô hoặc bộ phận cơ thể bị bệnh, tổn thương hay kiệt quệ.

{keywords}

Cơ chế trích lấy tế bào gốc theo kỹ thuật mới. Ảnh: Daily Mail

Tiến sĩ Mitalipov đã mất nhiều năm để cải tiến kỹ thuật trên, bao gồm cả việc nuôi các trứng bằng cafein vào một thời điểm trọng yếu trong quá trình. Nhà nghiên cứu này tuyên bố: "Phát hiện của chúng tôi mang tới các cách thức mới giúp tạo ra những tế bào gốc cho những bệnh nhân có mô hoặc bộ phân cơ thể bị hư hỏng hoặc tổn thương. Những tế bào gốc như vậy có thể tái tạo và thay thế các mô và tế bào bị tổn thương, đồng thời cải thiện bệnh tình của hàng triệu người".

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm phát triển các phương pháp chữa trị bằng tế bào gốc an toàn và hiệu quả nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng, đây là "một bước then chốt trong quá trình tạo ra các tế bào có thể sử dụng trong y học tái tạo".

Theo nhận định của các chuyên gia, đột phá trên có thể dẫn tới việc biến đổi các tế bào theo ý muốn nhằm giúp điều trị và thậm chí chữa khỏi hàng loạt căn bệnh, từ Alzheimer tới bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng khả năng về việc nhân bản vô tính trẻ em trong phòng thí nghiệm - một vấn đề từ lâu đã gây tranh cãi trong giới chuyên môn và công luận.

Không ít người đã lên tiếng chỉ trích các tham vọng và hoạt động nghiên cứu liên quan đến nhân bản vô tính người. Tiến sĩ David King, người sáng lập phong trào Human Genetics Alert, đã kêu gọi ban hành một lệnh cấm quốc tế đối với nhân bản vô tính người. Ông coi việc các nhà khoa học công khai những chi tiết về kỹ thuật tế bào gốc là "sự thiếu tinh thần trách nhiệm cực điểm".

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)