Phụ nữ sống thọ hơn đàn ông một phần là do hệ miễn dịch của phái yếu lão hóa chậm hơn, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản.
Sự cô đơn rút ngắn tuổi thọ
Các nhà khoa học thuộc trường đại học răng và y khoa Tokyo (Nhật Bản) đã tiến hành phân tích mẫu máu của 356 đàn ông và phụ nữ từ 20 đến 90 tuổi, để kiểm tra mức độ tế bào bạch cầu và các phân tử điều hòa hệ miễn dịch có tên là cytokine.
Kết quả cho thấy rằng số lượng tế bào bạch cầu ở cả hai giới đều giảm khi tuổi tăng lên. Tế bào bạch huyết T-cell và B-cell, 2 yếu tố quan trọng nhất của hệ miễn dịch, có mức độ giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, 2 loại tế nào này ở đàn ông giảm nhanh hơn so với ở phụ nữ.
Tương tự, hai cytokine IL-6 và IL-10 ở đàn ông cũng giảm nhanh hơn do quá trình lão hóa của cơ thể. Trong khi đó, hai loại tế bào đặc biệt của hệ miễn dịch, CD4 T-cell và NK – có tác dụng tiêu diệt những yêu tố có hại từ bên ngoài, lại tăng theo tuổi. Trong trường hợp này, các tế bào CD4 T-cell và NK tăng nhanh hơn ở phụ nữ so với nam giới.
Giáo sư Katsuiku Hirokawa, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Các thay đổi về hệ miễn dịch liên quan tới lão hóa xảy ra khác nhau ở đàn ông và phụ nữ. Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện thấy rằng mức độ suy giảm các yếu tố của hệ miễn dịch ở phụ nữ chậm hơn so với nam giới. Đây là một phần nguyên nhân khiến phụ nữ sống thọ hơn nam giới.”
Hệ miễn dịch không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi các viêm nhiễm và cả bệnh ung thư, mà còn có thể gây ra bệnh khi nó không được điều chỉnh phù hợp. Cytokine IL-10 có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hệ miễn dịch. Những loại cytokine suy giảm nhanh hơn ở đàn ông khi có tuổi, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ.
Giáo sư Katsuiku Hirokawa cũng cho biết quá trình lão hóa ở đàn ông và phụ nữ khác nhau vì nhiều lý do khác nữa. Phụ nữ có nhiều hóc môn oestrogen hơn đàn ông. Đây là loại hóc môn có tác dụng bảo vệ khỏi bệnh tim mạch.
Hà Hương (Theo Daily Mail)