- Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đặc biệt trong việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam, là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra trong chuyến thăm Liên bang Nga của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu.


Vấn đề đó được đề cập đến trong cuộc gặp gỡ ngày 14/5/2013 ở Moscow, trong cuộc họp báo chung với báo giới của hai vị Thủ tướng Việt Nam và Nga và đưa vào Thông cáo chung kết thúc chuyến thăm của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam ở nước Nga.

Cam kết của đối tác Nga

Trong Thông cáo chung ghi rõ: “Hai bên đánh giá tích cực quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Phía Nga sẽ xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam đúng tiến độ thỏa thuận, trên cơ sở công nghệ tiên tiến nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả cao nhất”.

{keywords}
Sơ đồ phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Sự cam kết của phía Nga, cũng đã được ông Sergey A. Boyarkin, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước của Nga (ROSATOM), cơ quan đối tác thi công dự án, lúc đến Việt Nam và trao đổi với báo chí vào ngày 9/2/2012.

Ông khẳng định: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ có những tiêu chuẩn an toàn cao nhất.

Nhà máy điện nguyên tử do Nga xây dựng ở Ninh Thuận sẽ có lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 với cấu trúc đảm bảo không thất thoát bức xạ.

Nhà máy được thiết kế để chịu được động đất đến cấp 9, trong khi dự báo khả năng động đất ở Ninh Thuận tối đa là 7,5. Tập đoàn ROSATOM cũng đang khảo sát để chọn địa điểm đặt các tổ máy, dù nhà máy gần biển nhưng các tổ máy cách biển đủ xa để không bị ảnh hưởng bởi sóng thần…

Quyết tâm từ phía Việt Nam

Về phía Việt Nam, quyết tâm thực hiện dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng được thể hiện bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến đi thăm Nga. Một trong những nơi Thủ tướng đến thăm có Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia ROSATOM.

Sau sự cố Fukushima, trong đầu năm 2012, trong buổi Tổng kết năm 2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Chúng ta quyết tâm làm điện nguyên tử. Không làm điện nguyên tử thì không có đủ điện. Theo tính toán đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng".

Thủ tướng nói rõ: Về nguồn vốn xây dựng nhà máy, Nga đã đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, trong đó 8 tỷ làm điện hạt nhân, 500 triệu USD xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân, một trung tâm nghiên cứu mới phục vụ trực tiếp điện hạt nhân... Thủ tướng cho biết thêm: Nhật cũng đồng ý cho Việt Nam vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân.

Về lộ trình xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân ở Việt Nam, một bản Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (gọi ngắn là Quy hoạch điện VII) đã được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011.

Theo Quy hoạch điện VII đã được phê duyệt, từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ đưa vào vận hành 5 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 10.700 MWe đó là Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (2x1.000 MWe), Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (2x1000 MWe), Nhà máy điện hạt nhân số 3 (2x1.000MWe), Nhà máy điện hạt nhân số 4 (2x1.000MWe) và Nhà máy điện hạt nhân Miền Trung (2x1.350MWe). Mục tiêu phát triển điện hạt nhân là an toàn, giá thành chấp nhận được và đảm bảo nguồn nhân lực cho chuẩn bị và thực hiện đầu tư cũng như quản lý vận hành sau này.

Như vậy, sau sự cố Fukushima, trong xu hướng chung của thế giới, cùng với 30 nước đang sở hữu điện hạt nhân và 15 nước đang bắt đầu bước vào con đường xây dựng nền công nghiệp điện năng mới này, trong đó có nhiều nước ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn tiếp tục chương trình phát triển điện hạt nhân của mình.

Tuy nhiên trong tình hình mới, sau vụ Fukushima, Chính phủ Việt Nam đã và sẽ phải chỉ đạo rà soát các yêu cầu nâng cao an toàn hạt nhân, coi đó là ưu tiên cao nhất cho các dự án điện hạt nhân đầu tiên. Các yếu tố hiệu quả kinh tế, tiến độ dự án… đều quan trọng, nhưng không được đặt trên an toàn hạt nhân.

  • Minh Trần