Nhà chức trách Trung Quốc đang tiến hành điều tra 3 nhà máy xay xát gạo ở tỉnh Hồ Nam, miền trung nước này sau khi phát hiện gạo do những cơ sở này sản xuất có chứa hóa chất công nghiệp cátmi - một kim loại gây ung thư hồi tuần trước.


{keywords}

Theo thông cáo của chính quyền địa phương, 3 nhà máy xay xát gạo ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam đã được lệnh thu hồi các sản phẩm của họ cũng như ngưng mọi hoạt động kinh doanh.

Nhà chức trách đã thu thập các mẫu gạo dự trữ trong những cơ sở này và gửi tới cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm của tỉnh để điều tra thêm.

Cơ quan quản lý địa phương nói, tất cả các nhà máy xay xát gạo nói trên đều hoạt động hợp pháp và mọi mẫu gạo nhiễm độc đều do họ thu mua của các nông dân trong tỉnh.

Một cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm quy mô lớn của Trung Quốc trong quý đầu tiên năm 2013 cũng phát hiện, 44,4% gạo và các sản phẩm làm từ gạo ở thành phố Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông chứa hàm lượng cátmi vượt ngưỡng cho phép, theo một tuyên bố ngày 16/5 của Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm Quảng Đông.

Cơ quan quản lý hé lộ, 8 mẫu trong số 18 lô gạo và sản phẩm làm từ gạo cho kết quả đã bị nhiễm độc hóa chất công nghiệp sinh ung thư nói trên. Một phần lô gạo nhiễm độc có nguồn gốc từ thành phố Hành Dương thuộc tỉnh Hồ Nam và thành phố Đông Quan thuộc tỉnh Quảng Đông. Gạo và các sản phẩm làm từ gạo chứa cátmi được phát hiện đã có mặt trong 2 bếp ăn của trường đại học và 2 nhà hàng.

Các chuyên gia tin rằng, đất ở một số vùng sản xuất gạo đã bị nhiễm độc kim loại nặng, dẫn tới việc ô nhiễm nguồn nước. Chu Châu và Hành Dương là hai thành phố công nghiệp tọa lạc bên bờ sông Xiangjiang ở tỉnh Hồ Nam.

Hou Yanlin - một chuyên gia về đất tại Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho rằng, chính phủ nước này cần phải thiết lập một hệ thống giám sát và cảnh báo sớm đối với việc đất nhiễm độc nhằm tính toán được phạm vi và mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm. Ông Hou cũng kêu gọi nghiên cứu soạn thảo một luật kiểm soát việc ô nhiễm đất đai.

Gao Shengda - Tổng thư ký Liên minh Ngành công nghiệp xử lý ô nhiễm môi trường Trung Quốc cũng nhận định, Trung Quốc cần phải phát triển các kỹ thuật xử lý ô nhiễm đất cũng như tiếp thu công nghệ tiên tiến kiểu này từ nước ngoài.

Giới khoa học cảnh báo, do một số loại phân bón và thuốc trừ sâu có thể gây ô nhiễm kim loại nặng nên nông dân trồng lúa cần phải giảm bớt việc sử dụng những hóa chất như vậy hoặc tránh kết hợp chúng với nhau.

Tuấn Anh (Theo Xinhua, China Daily)