Việt Nam từ trước đến nay đều chối bỏ thứ vũ khí giết người hàng loạt mà cả loài người lên án - vũ khí hóa học.


{keywords}
Các nạn nhân chất độc da cam thế hệ 2 và 3 ở Việt Nam.

Thế giới “nói không” với vũ khí hóa học

Sau vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học là một trong những loại vũ khí hủy diệt lớn gây ra chết người hàng loạt.

Vì các chất hóa học (có khi gọi là chất độc quân sự) trong loại vũ khí này có đặc điểm chung, đó là độc tính cao, tác dụng nhanh gây tổn thất lớn cho đối phương hay làm nguy hại trực tiếp cho nhiều người, động vật và cây cỏ nói chung.  

Vũ khí hóa học có nhiều thứ khác nhau, được phân loại theo hai cách. Một là, theo cách tác động gây hại cho người và cây cỏ như: vũ khí hóa học gây ngạt, vũ khí hóa học gây tổn thương thần kinh, vũ khí hóa học gây loét da và vũ khí hóa học diệt cây. Hai là, theo đối tượng gây hại: vũ khí hóa học tiêu diệt sinh lực và vũ khí hóa học diệt cây.

Chính vì tác hại lớn đến con người và môi trường như trên, vũ khí hóa học đã bị hầu hết các quốc gia trên thế giới thỏa thuận đưa vào danh mục vũ khí giết người hàng loạt gồm ba loại - vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học.

Tất cả ba loại này đều bị đưa vào danh sách cấm đặc biệt. Riêng với vũ khí hóa học, văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất là Công ước Vũ khí hoá học, viết tắt CWC (từ tiếng Anh: Chemical Weapons Convention) bao gồm các điều cấm - cấm phát triển, cấm sản xuất, cấm tàng trữ, cấm sử dụng - và quy định về sự phá hủy loại vũ khí này.

Công ước này được quản lý bởi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học OPCW (Organization for the Prohibition of Chemical Weapons), là một tổ chức độc lập có trụ sở tại The Hague, Hà Lan với sự tham gia của đại diện các quốc gia thành viên đã ký tên vào CWC.

Tính đến tháng 6 năm 2013, 189 quốc gia là thành viên của Công ước CWC. Hai quốc gia (Israel và Myanmar) đã ký nhưng chưa phê chuẩn và 5 quốc gia (Angola, Triều Tiên, Ai Cập, Nam Sudan và Syria) chưa ký Công ước.

Như vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã cam kết “nói không” với vũ khí hóa học. Tuy vậy, giữa “nói không” hay ký tên vào Công ước CWC và việc thực thi triệt để có thể có những trường hợp đặc biệt “ngoại lệ”.

VN thực sự từ chối vũ khí hóa học

Trong số 189 quốc gia là thành viên của Công ước CWC có Việt Nam. Việt Nam đã ký Công ước về cấm vũ khí hóa học rất sớm, từ 20 năm trước đây, vào năm 1993, và đã phê chuẩn 5 năm sau, vào tháng 8/1998. Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành một nghị định nhằm thực hiện Công ước đó vào năm 2005.

Ngoài ra, trước đó, vào tháng 12/1980 Việt Nam đã tham gia một Nghị định thư (gọi là Nghị định thư Geneva 1925) về việc cấm sử dụng trong chiến tranh các chất làm ngạt, chất độc hoặc các loại khí khác.

Không chỉ “nói không” với vũ khí hóa học qua những văn bản pháp lý quốc tế và quốc gia trên đây, Việt Nam đã từ chối việc chế tạo loại vũ khí nguy hại này trong thực tế.

Ngành công nghiệp hoá chất ở Việt Nam, thực sự, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ ngành công nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp hóa chất ở Việt Nam chỉ quan tâm đến việc phục vụ nền kinh tế và đời sống của người dân nước mình. Và họ cũng tập trung chủ yếu vào sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu và hóa dầu.

Trong mức độ hạn chế, Việt Nam cũng xuất khẩu một số loại hóa chất dùng trong công nghiệp dân sự. Hoạt động này, dĩ nhiên, phải qua một hệ thống cấp phép tại chỗ với nhiệm vụ kiểm soát xuất khẩu theo đúng quy định của Công ước quốc tế CWC.

Rõ ràng, cũng như đối với vũ khí hạt nhân, Việt Nam hoàn toàn xa lạ với ý đồ và trong thực tế không hề có động thái gì liên quan đến việc chế tạo bất cứ loại vũ khí hóa học nào.

Hầu hết các sự thật trên đều được một tổ chức phi chính phủ quốc tế nổi tiếng NIT (The Nuclear Threat Initiative, tức “Sáng kiến đe dọa hạt nhân”) khẳng định. Chính NIT đánh giá: “Việt Nam không sở hữu vũ khí hạt nhân, sinh học hay hóa học, hoặc các chương trình phát triển các loại vũ khí đó, và là một bên tham gia hầu hết các hiệp ước không phổ biến và các thỏa thuận liên quan v.v…”

Tất cả các dẫn chứng cụ thể ở trên, từ bản chất sự việc ở bên trong Việt Nam đến những quan sát và nhận xét khách quan ở bên ngoài, đều chứng tỏ một sự thật hùng hồn rằng, Việt Nam từ trước đến nay đều chối bỏ thứ vũ khí giết người hàng loạt mà cả loài người lên án - vũ khí hóa học.

  • Trần Minh