Vào lúc 18h11 ngày 23/6, hiện tượng “siêu trăng” của năm 2013 sẽ xuất hiện khi mặt trăng tròn đúng vào lúc nó tiến vào điểm cực cần gần Trái đất nhất trên quỹ đạo.
Theo thông tin từ câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), ngày 23/6 trăng tròn sẽ diễn ra vào lúc 18h34 giờ VN. Khoảng 20 phút trước đó, 18h11 Mặt trăng sẽ tiến tới vị trí cực cận (perigee) trên quỹ đạo ở khoảng cách 356,989 km, vị trí gần nhất trong tất cả các lần đạt cực cận của năm 2013. Đây chính là thời điểm mà cộng đồng thiên văn học gọi là “siêu trăng” của năm 2013.
Siêu trăng sẽ xuất hiện vào chiều 23/6 tới. |
Siêu trăng khi diễn ra đúng vào lúc Mặt trăng tròn tại vị trí gần nhất với Trái đất, do vậy Mặt trăng trông sáng và lớn hơn lúc thông thường, nhất là khi nó mọc ở chân trời phía đông sau khi mặt trời lặn, hoặc là có điều kiện khí quyển thuận lợi cho quan sát.
Thông thường, Mặt trăng sẽ trông lớn hơn khoảng 12-14% tại vị trí cận điểm so với trăng tròn thông thường và sáng hơn tới 30%. Nhiều người cho rằng đây chính là trăng tròn gần nhất và sáng nhất trong năm 2013.
“Siêu trăng” là khái niệm chỉ hiện tượng Mặt trăng tròn vào đúng thời điểm nó đạt tới điểm cực cận trên quỹ đạo mặc dù trên thực tế hai thời điểm này không trùng khít về mặt thời gian. Ước tính khoảng thời gian để một lần trăng tròn trùng với lúc nó đạt vị trí cực cận là khoảng 413.4 ngày, tức là 1 năm 1 tháng và khoảng 18 ngày.
Như vậy, hiện tượng “siêu trăng” sẽ chỉ lặp lại vào tháng 8/2014. Ngày 10/8/2014 Trăng tròn diễn ra vào lúc 1:11 giờ VN còn mặt trăng sẽ tiến tới vị trí cực cận của năm ở khoảng cách 356,896km cùng ngày lúc 0:44 giờ VN. Hai thời điểm cách nhau khoảng 30 phút.
Một số nhà thiên văn và chiêm tinh học dự đoán rằng sự kiện Trăng tròn trùng với vị trí cận điểm này sẽ ảnh hưởng tới các hiểu khí hậu trên Trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại không đồng ý như vậy. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, siêu trăng sẽ không gây ra các sự kiện địa chất nào cả mà có lẽ chỉ tạo nên một số khác biệt với sự lên xuống của thuỷ triều mà thôi.
Lê Văn