Xây đập trên dòng chảy chính tại khu vực hạ nguồn sông Mekong có thể trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của loài cá tra dầu, một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất và hiếm nhất trên thế giới sinh sống tại đây, nghiên cứu mới nhất của tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết.
Cá tra dầu trên sông Mekong. Ảnh: Zeb Hogan/WWF. |
Với kích thước khổng lồ, chiều dài có thể đạt tới 3 mét và cân nặng khoảng 300kg, loài cá này sẽ không thể vượt qua đập Xayaburi trong hành trình di cư hàng năm của chúng, và đây có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài, báo cáo cho biết.
“Một loài cá với kích thước như vậy sẽ không thể bơi qua một chướng ngại vật lớn như một con đập để tới thượng nguồn là nơi đẻ trứng của chúng,” tác giả của nghiên cứu, giáo sư Zeb Hogan tại trường Đại Học Nevada, cho biết.
“Sinh vật khổng lồ này cần dòng chảy lớn và thông thoáng để có thể di cư. Chúng còn cần nguồn nước có chất lượng với những điều kiện dòng chảy nhất định để thực hiện vòng đời của mình bao gồm cả việc sinh sản và kiếm mồi”, ông nói.
Nghiên cứu cũng cho biết, quần thể cá tra dầu sông Mekong đã bị suy giảm mạnh do việc đánh bắt quá mức, sinh cảnh bị phá hủy và sự xuất hiện của các con đập trên các nhánh sông Mekong.
Một con đập trên sông Mun, nhánh lớn nhất của sông Mekong, đã chặn đường di cư của loài cá tra dầu và cô lập sông Mun với phần còn lại của lưu vực sông Mekong. Con đập gây nhiều tranh cãi – Xayaburi có thể làm gián đoạn, thậm chí là ngăn cản quá trình sinh sản, và gia tăng tỉ lệ tử vong của loài cá này nếu chúng bơi qua các tuốc-bin của đập, báo cáo của WWF tuyên bố.
“Có khả năng cá tra dầu Mekong sử dụng những nhánh sông, nơi xây đập Xayaburi, làm hành lang di cư của chúng. Những cá thể trưởng thành di cư từ các khu vực sinh trưởng ngập nước lũ, qua khu vực xây đập Xayaburi, tới các khu sinh sản tại thượng nguồn,” tiến sĩ Hogan cho biết thêm. “Cũng có khả năng chúng đẻ trứng tại khu vực sẽ xây con đập”.
Pöyry, một công ty Phần Lan chịu trách nhiệm tư vấn cho Lào về xây dựng đập, đã lập luận rằng có thể xây “đường di cư cho cá” để giúp chúng vượt qua các tuốc-bin và bơi xuôi ngược dòng. Tuy nhiên, giải pháp này chưa bao giờ được thử nghiệm trong thực tế.
“Để xây được đường di cư loại này, cần nghiên cứu về loài cá, khả năng bơi của chúng và dòng chảy hút chúng về phía các đường di cư, ” Tiến sĩ Eric Baran từ Trung tâm Cá Quốc tế cho biết. “Vẫn cần phải nghiên cứu để đảm bảo những giải pháp đưa ra có tính thực tế”.
Cá tra dầu Mekong đã từng phân bố rộng rãi dọc lưu vực sông Mekong, từ Myanmar cho tới tây nam Trung Quốc. Cho đến đầu những năm 1990, quần thể loài này vẫn còn tương đối dồi dào. Từ đó tới nay, số lượng loài này đã bị giảm mạnh và chỉ được tìm thấy tại sông Mekong và các nhánh của nó tại Lào, Campuchia và Thái Lan.
“Cá tra dầu sông Mekong tượng trưng cho sự vẹn toàn sinh thái của dòng Mekong vì loài này rất dễ bị tổn thương dưới áp lực đánh bắt và sự thay đổi của dòng sông. Tình trạng của chúng là chỉ số sức khỏe của toàn bộ dòng sông, và sự duy trì nòi giống loài là một phần quan trọng trong quản lý bền vững lưu vực sông Mekong”, Tiến sĩ Lifeng Li, Giám đốc chương trình Nước ngọt Toàn cầu của WWF nói.
Lê Văn