Trong bài viết, "Việt Nam vẫn theo đuổi điện hạt nhân", Phóng viên báo Financial Times mới đây đã có bài viết phản ảnh dư luận về sự cố hạt nhân Nhật bản gần đây và quyết tâm của VN theo đuổi chương trình điện hạt nhân.

VietNamNet xin đăng tải toàn văn bản dịch bài báo này:

Khi cơn mưa bão lớn ập đến Hà Nội vào buổi trưa ngày thứ ba (15/3), một số người đã hủy bỏ các cuộc gặp gỡ và vội vã lao đến các trường học đón con trước làn sóng tin đồn sai lệch rằng Việt Nam đang hứng chịu "mưa axít" từ Nhật. (Tổ chức Y tế thế giới đã ra tuyên bố nhấn mạnh rằng những lời đồn thổi như vậy, vốn đang lan truyền khắp châu Á, là vô căn cứ).

Bất chấp bầu không khí sôi sục do cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa đến hồi kết ở Nhật gây ra, chính phủ Việt Nam tuyên bố vẫn có ý định xúc tiến một kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước mình với sự trợ giúp của Nhật và Nga.

Mô hình lò phản ứng hạt nhân trưng bày trong Triển lãm quốc tế về điện hạt nhân 2010 tại Hà Nội với chủ đề “Hướng tới dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”. Ảnh: Dân Trí.

Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh an toàn hạt nhân là một ưu tiên hàng đầu và "đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên, đặc biệt là động đất và sóng thần tại Nhật".

Bà Nga nói thêm rằng, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật và các đối tác quốc tế khác nhằm phát triển năng lượng hạt nhân trong khi "vẫn đảm bảo an toàn hạt nhân và bảo vệ môi trường".

Ông Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân ở Việt Nam, khẳng định chính phủ Việt Nam hoàn toàn đúng đắn khi tiếp tục kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân dù xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật. Ông bày tỏ: "Tôi quan ngại về những gì đang xảy ra ở Nhật, nhưng giống như đa phần các nhà khoa học hạt nhân, tôi không quá lo lắng. Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ hạt nhân tối tân nhất và sẽ tập trung lớn hơn vào sự an toàn về công nghệ khi xây dựng các lò phản ứng hạt nhân của mình".

Theo ông Trần Thanh Minh, nguy cơ từ các trận động đất và sóng thần đối với các nhà máy điện hạt nhân tương lai ở Việt Nam dường như là nhỏ do Việt Nam không nằm gần những khu vực có hoạt động địa chấn mạnh mẽ nhất ở châu Á. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng chính phủ và các nhà khoa học cần phải suy xét cẩn thận về thách thức tiềm tàng từ mực nước biển tăng cao, vì Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Naoto Kan và người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký một thỏa thuận về việc Nhật sẽ giúp xây hai lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam.

Dự án hạt nhân trên đây dự kiến sẽ được thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận, miền nam Việt Nam. Đây cũng là đơn đặt hàng đầu tiên đối với Công ty Phát triển năng lượng hạt nhân quốc tế Nhật, một công ty liên doanh được thành lập năm ngoái nhằm hỗ trợ việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân của đất nước mặt trời mọc.

Sự cạnh tranh toàn cầu nhằm bán công nghệ hạt nhân cho những quốc gia đang phát triển khát năng lượng đang nóng lên khi Pháp, Hàn Quốc và Mỹ ganh đua giành các hợp đồng béo bở ở nước ngoài với Nhật.

Quan ngại về cách giải quyết vụng về các trục trặc tại nhà máy Fukushima Daiichi chắc sẽ không nâng cao uy tín hạt nhân quốc tế của Nhật. Tuy nhiên, khả năng cung cấp các khoản vay mềm và những hỗ trợ tài chính khác của Nhật đã giúp nước này giành được các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Câu hỏi đặt ra đối Việt Nam là, các chi phí tái thiết sau thảm họa động đất và sóng thần hủy diệt vừa qua sẽ ăn vào nguồn vốn dành để viện trợ và cho vay ưu đãi ở nước ngoài của Nhật tới mức nào.

Thanh Bình
(gt)