Các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên đã thử nghiệm thành công việc cấy ghép một ký ức giả vào bộ não của động vật.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành cấy ghép ký ức giả cho chuột bằng sốc điện. Ảnh:Getty Images |
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã chứng minh, họ có thể biến khoa học viễn tưởng thành sự thật, ít nhất ở chuột. Công trình của họ gợi nhắc đến cốt truyện của bộ phim giả tưởng "Inception" (phụ đề phim tại Việt Nam là "Đánh cắp giấc mơ") của Hollywood năm 2010, trong đó, nhân vật "gián điệp thần kinh", do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai, được thuê để cấy ghép suy nghĩ vào tâm trí của ai đó.
Trong thực tế, việc tạo ra một ký ức giả còn được gọi là quá trình "gieo mầm ý tưởng vào tiềm thức". Các nhà khoa học MIT đã bắt đầu thử nghiệm quá trình này ở chuột bằng cách cho chúng vào một chiếc hộp tạo cảm giác an toàn.
Nhóm nghiên cứu sau đó tập trung vào các tế bào não, nơi lưu trữ ký ức của các con chuột về vị trí hiện tại của chúng và lập trình cho những tế bào này "bật mở ký ức" khi có ánh sáng. Ngày tiếp theo, họ cho các con chuột vào một chiếc hộp thứ hai và sử dụng các xung ánh sáng để tái kích hoạt ký ức của ngày trước đó.
Trong khi ký ức được tái hiện, các nhà nghiên cứu cho những con chuột trải qua sốc điện nhẹ. Đúng như kỳ vọng, việc sốc điện đã làm thay đổi ký ức của những con vật thí nghiệm, khiến chúng trở nên hoảng sợ khi được đưa trở về hộp an toàn ban đầu. Tình trạng này xảy ra bất chấp việc các con chuột không phải chịu thêm bất kỳ sốc điện nào ở chiếc hộp này.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả thu được đồng nghĩa với việc ký ức của các con chuột về chiếc hộp an toàn đầu tiên đã bị thay đổi để gắn nó với việc bị sốc điện. Nói một cách khác, một ký ức giả đã được cấy ghép vào bộ não chuột thành công. Các thí nghiệm cũng ám chỉ rằng, ký ức giả và thật cùng kích hoạt nhiều vùng não giống nhau, gây khó khăn trong việc phân biệt.
Nhóm nghiên cứu hy vọng, công trình của họ sẽ giúp hé lộ cách các ký ức giả hình thành trong bộ não người. Điều này có thể hữu ích tại các phòng xử án, nơi những ký ức nhầm lẫn của nhân chứng có thể dẫn tới các phán quyết sai lầm.
Do sự khác biệt rất lớn giữa người và chuột nên các chuyên gia tin, ít có khả năng kỹ thuật trên có thể bị khai thác để khiến ai đó tin mình là một thực thể khác hoặc tẩy xóa những ký ức đau buồn. Tuy nhiên, nó có thể được ứng dụng cho những thao túng nhỏ hơn, chẳng hạn như khiến những người nghiện hút thuốc quên mình từng "ghiền" thuốc lá.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail, BBC)