Dù rất nhỏ, các sinh vật ký sinh vẫn có thể tấn công và hạ gục hoàn toàn, thậm chí cướp đi sinh mạng của vật chủ to lớn.


"Quái vật" ăn lưỡi

{keywords}

Cymothoa Exigua, loài giáp xác ký sinh thuộc họ Cymothoidae, đã xâm nhập vào các con cá thông qua mang của chúng, sau đó bám chặt vào gốc của lưỡi cá. Một khi hiện diện ở đó, Cymothoa Exigua sẽ trích hút máu bằng các móng vuốt trước của chúng, khiến lưỡi của vật chủ teo mòn vì thiếu máu. Chúng sau đó sẽ thay thế lưỡi của cá bằng cách gắn thân mình vào các cơ ở gốc lưỡi vật chủ. Loài sinh vật có biệt danh "quái vật ăn lưỡi" này được cho là vô hại với con người, trừ khi bị bắt sống vì nó có thể cắn.

Giun sống trong mắt

{keywords}

Thường được gọi là "giun mắt", loài ký sinh trùng có danh pháp khoa học Loa Loa xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết chích của một con ruồi thuộc chi Chrysops, vốn thường hút máu và lây bệnh truyền nhiễm. Chúng sẽ chu du dưới da của nạn nhân trong nhiều năm mà không bị phát hiện, cho đến một ngày vật chủ cảm thấy có gì lạ trong mắt của anh ta. Trong một cảnh tượng dường như chỉ xuất hiện trên phim kinh dị, nạn nhân nhìn vào gương và phát hiện một con giun nhỏ xíu đang ngọ nguậy ngay phía dưới bề mặt nhãn cầu của mình. Theo các chuyên gia, "giun mắt" thường được phát hiện ở châu Phi và Ấn Độ. Các triệu chứng mắc phải chúng có thể từ ngứa ngáy, đau khớp tới mệt mỏi và thậm chí tử vong.

Ký sinh trùng ở da người và động vật

{keywords}

Dracunculus Medinensis, loài ký sinh trùng ở da người và động vật, là một trong những loại ký sinh trùng cổ nhất từng được ghi nhận cho tới nay. Các giai thoại về sự tồn tại của chúng đã được những người chép sử Hy Lạp ghi lại từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Những sinh vật này tấn công cả con người, chó, mèo, ngựa, trâu bò và các động vật khác, đặc biệt ở châu Phi và châu Á.

Giun Dracunculus Medinensis xâm nhập vào vật chủ sau khi đối tượng uống nước chứa bọ chét nước mang ấu trùng của giun. Khoảng 1 năm sau đó, con giun tạo ra một vết bỏng giộp trên da của vật chủ, thường là trên chân hoặc bàn chân. Trong vòng 72 giờ đồng hồ, vết bỏng giộp sẽ vỡ ra, hé lộ một đầu của giun ký sinh. Vết bỏng giộp gây ra cảm giác vô cùng đau đớn khi con giun trồi ra. Những người nhiễm loại ký sinh trùng này thường phải ngâm phần chân bị tổn thương vào nước để làm dịu cảm giác bỏng rát, rốt cuộc cho phép các con giun cái trưởng thành thả hàng trăm ngàn ấu trùng ký sinh, tiếp tục làm ô nhiễm nguồn nước.

Giun chỉ

{keywords}

Được truyền nhiễm từ vật chủ này sang vật chủ khác thông qua động vật chân khớp hút máu (chủ yếu là ruồi đen và muỗi), giun chỉ có thể gây "bệnh chân voi", tạo phù nề với việc dày lên của da và các mô phía dưới. Loài ký sinh trùng dưới da này cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như mẩn ngứa da, sần đỏ mề đay, các đốm thiểu sắc hoặc tăng sắc tố và cả bệnh viêm khớp. Chúng cũng có thể tấn công mắt, gây bệnh "mù sông" (onchocerciasis), một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mù lòa trên thế giới.

Đối tượng tấn công của giun chỉ là con người, gia súc, cừu và chó. Tài liệu rõ ràng nhắc tới loài ký sinh trùng này là của người Hy Lạp cổ, nhưng nó có thể từng được người Ai Cập cổ đại phát hiện từ năm 2000 trước Công nguyên. Một chiến dịch loại bỏ giun chỉ tới năm 2020 đã ngăn chặn được hơn 6,6 triệu ca nhiễm bệnh giun chỉ mới và chấm dứt sự tiến triển của bệnh ở 9,5 triệu người khác.

Nấm ký sinh biến kiến thành "thây ma"

{keywords}

Giống như trong một bộ phim kinh dị, các con kiến bị nhiễm nấm ký sinh Ophiocordyceps Unilateralis sẽ thay đổi hành vi và không còn kiểm soát được hành động của chúng nữa. Các con kiến có thể ngã khỏi cây mình thường cư trú, trèo lên một thân cây, kẹp chặt hàm vào một cái lá và chết ở đó. Trong khi đó, nấm sẽ gặm nhấm dần mô của kiến và phát triển ra ngoài, giải phóng các bào tử.

Phôi thai ong ký sinh sâu bướm

{keywords}

Các phôi thai ong ký sinh là nguồn cảm hứng chính cho sự ra đời của một cảnh "sinh nở" rùng rợn trong bộ phim kinh dị "Alien" năm 1979.  Khi được mẹ tiêm vào một con sâu bướm, phôi thai ong sẽ phát triển khoảng 14 ngày. Sau đó, trong một cuộc tấn công sinh học độc nhất vô nhị trong thế giới động vật, các phôi thai ký sinh sử dụng một virus trong ADN của chúng để làm tê liệt vật chủ. Chúng sẽ cắn xé để chui ra ngoài cơ thể sâu bướm và bắt đầu lăn tròn như kén. Con sâu bướm, rõ ràng bị virus làm quẫn trí, đã tạo thành một tấm chăn mềm mịn bao quanh những kẻ tấn công nó và bảo vệ chúng cho tới khi ong trưởng thành nở ra khỏi kén và bay đi.

Thực vật săn mồi

{keywords}

Trong khi hầu hết thực vật dường như thụ động thì loài dây tơ hồng (Cuscuta) là một loại ký sinh, sống bám vào các cây khác. Thay vì chờ đợi vật chủ phù hợp, tơ hồng sẽ chủ động "đi săn". Loài thực vật này thậm chí có thể "đánh hơi" thấy vật chủ, phát triển về phía các chất hóa học đặc trưng tỏa ra từ những cây lân cận. Dây tơ hồng có thể phát triển và lan rộng với tốc độ phi thường, xâm chiếm lãnh địa mới bằng các hạt giống dẻo dai và lây lan giống như cháy rừng qua khắp các cây trồng, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế.

Tuấn Anh (Theo Oddee)