Ở Hàn Quốc có một loại rượu truyền thống đặc biệt, có thành phần bao gồm cả phân trẻ em, từng được dùng để chữa trị nhiều chứng bệnh, từ gãy xương tới động kinh.

{keywords}
Bước đầu tiên để bào chế rượu thuốc Ttongsul là chưng cất nước lên men chứa phân trẻ em.

Loại rượu thuốc nói trên có tên gọi là “Ttongsul”. Đây là một loại rượu gạo đã lưu hành ở Hàn Quốc qua nhiều thế kỷ, với một thành phần đặc biệt là phân trẻ em dùng để chữa bệnh.

Rượu thuốc Ttongsul từ lâu đã được cho là có khả năng làm các vết cắt và thâm bầm trên da biến mất, phục hồi xương gãy và thậm chí chữa trị được bệnh động kinh. Tuy vậy, loại rượu thuốc này không được ưa chuộng rộng rãi và được tin là gần như biến mất vào những năm 1960.

{keywords}
Cơm được trộn lẫn với men và nước phân chưng cất, rồi bỏ vào một chiếc bình ủ. Ảnh:Vice

Một phóng viên của trang Vice mới đây đã cất công tìm gặp một thầy thuốc y học cổ truyền của Hàn Quốc, người tự tuyên bố là một trong số những lương y hiếm hoi còn lại biết cách chế thứ đồ uống có tên gọi nôm na là “rượu phân”.

Bác sĩ Lee Chang Soo cho hay, việc sử dụng phân trẻ em cho các mục đích y học đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước ở Hàn Quốc, vì người xưa tin rằng nó có thể chữa trị được hàng loạt vấn đề khác nhau.

{keywords}
Hỗn hợp được ủ ở nhiệt độ 30 – 37 độ C trong 1 tuần và được lọc lấy nước trước khi có thể uống được. Ảnh:Vice

Các loại phân động vật cũng được sử dụng để bào chế thuốc, từ phân dơi để giải độc rượu tới phân gà chữa những trục trặc ở dạ dày. Dẫu vậy, thứ nguyên liệu đặc biệt này không còn được dùng rộng rãi trong Đông y nữa.

Bác sĩ Soo bộc bạch với Yuka Uchida - phóng viên thường trú của trang Vice tại Nhật rằng, ông cảm thấy buồn lòng khi các vị thuốc truyền thống không còn chứa thành phần phân trẻ em nữa. Vị thầy thuốc này nói, rượu Ttongsul có nồng độ cồn là 9% và bao gồm cả phân trẻ em khoảng 6 tuổi. Ông khẳng định, rượu thuốc không có mùi khó chịu và rất “tinh khiết”.

Thầy thuốc Soo tiết lộ quy trình bào chế rượu Ttongsul như sau: Rượu gạo được chưng cất bằng cách nhanh chóng lên men nước có trộn lẫn phân của trẻ em. Sau một ngày, cơm nấu chín và men được pha trộn với nhau, trong đó gạo tẻ được chọn cho quá trình lên men này vì chứa rất nhiều protein.

Các thành phần mới được nhào trộn trong một cái bình, rồi cho thêm vào nước phân cô đặc, dường như khiến hỗn hợp bốc mùi nồng hơn. Tiếp đó, hỗn hợp pha chế được ủ ở nhiệt độ 30 – 37 độ C trong 1 tuần và được lọc lấy nước trước khi có thể uống được.

{keywords}
Phóng viên Uchida “liều mình” thử rượu thuốc Ttongsul và nói, nó có hương vị giống rượu gạo nhưng khi thở ra có mùi như phân người.

Ông Soo nói thêm rằng, rượu thuốc Ttongsul cũng có thể ngăn ngừa cơn đau. Theo ông, mặc dù mọi người có thể phải nằm viện khoảng 20 ngày sau một cú ngã chí mạng, nhưng Ttongsul có thể giúp họ hàn gắn thương tổn chỉ với một nửa thời gian đó.

Thầy thuốc Hàn Quốc cảnh báo phóng viên Uchida rằng, rượu thuốc Ttongsul “có thể nếm có vị hơi chua”, nhưng khi cô lấy hết can đảm thử uống nó, ông nói “vấn đề nằm ở trong đầu của cô”.

Cô Uchida tả lại trải nghiệm của mình như sau: “Rượu có hương vị giống rượu gạo, nhưng khi tôi thở ra đằng mũi, nó có mùi giống như phân”.

Đại đa số người Hàn Quốc ngày nay chưa từng nghe nói đến rượu Ttongsul. Tuy nhiên, người ta đồn đại rằng, vẫn có vài thầy thuốc y học cổ truyền như ông Soo vẫn cố duy trì sự tồn tại của thứ rượu thuốc đặc biệt này.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)