Các cơ quan quản lý y tế ở châu Âu vừa lên tiếng cảnh báo, một số loại thuốc Đông y của Trung Quốc có chứa hàm lượng chì, thủy ngân và thạch tín “cao đến mức nguy hiểm”.

{keywords}
Thuốc Đông y Trung Quốc Bak Foong Pills bị thu hồi ở Hong Kong vì chứa hàm lượng chì cao gấp đôi mức cho phép. Ảnh: Daily Mail.

Cơ quan điều phối thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh cho hay, các loại thuốc Đông y không đạt chuẩn của Trung Quốc bao gồm cả một số loại dành cho trẻ em.

Chưa có bất kỳ sản phẩm cổ truyền nào như vậy được phép lưu hành ở Anh, nhưng các điều tra viên của nước này phát hiện chúng vẫn được bán tràn lan trên Internet.

Theo MHRA, Cơ quan quản lý thực phẩm quốc gia Thụy Điển (SFNA) từng phát hiện một sản phẩm có nhiều tên gọi khác nhau như Niu-Huang Chieh-tu-pein (Ngưu hoàng), Divya Kaishore Guggul hay Chandraprabha Vatiand có chứa hàm lượng thạch tín “cực cao”. Sản phẩm y học cổ truyền Trung Hoa này được hướng dẫn sử dụng để điều trị các bệnh quai bị, viêm họng, viêm amiđan, đau răng, nhiễm trùng da, biếng ăn và sốt ở trẻ nhỏ.

{keywords}
Giới chức y tế Anh và Thụy Điển cảnh báo, một số loại thuốc y học cổ truyền Trung Hoa chứa hàm lượng chì, thủy ngân và thạch tín cao đến mức nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, Leif Busk, chuyên gia về độc tố của SFNA, thông báo, nếu dùng đúng liều hàng ngày như khuyến cáo trên toa thuốc, người dùng nhiều khả năng đưa vào cơ thể một lượng thạch tín vô cơ tương đương 1/2 liều có thể gây tử vong. Do đó, người uống loại thuốc này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe chỉ trong thời gian ngắn.

Một sản phẩm khác, Bak Foong Pills, vốn được sử dụng để giảm đau bụng kinh cho phụ nữ, vừa bị thu hồi ở Hong Kong sau khi người ta phát hiện nó có chứa hàm lượng chì cao gấp đôi mức cho phép của chính quyền đặc khu này.

Nhà chức trách Hong Kong mới đây cũng đã ra lệnh thu hồi sản phẩm Đông y chuyên trị rụng tóc có tên gọi Hairegenerator, sau khi kết quả kiểm nghiệm mẫu cho thấy, hàm lượng chì trong loại thuốc này cao gấp 11 lần ngưỡng an toàn.

Richard Woodfield – quan chức phụ trách vấn đề thảo dược của MHRA tuyên bố, mọi người nên vô cùng cẩn trọng khi mua các loại thuốc y học cổ truyền chưa được cấp phép lưu hành.

Ông Woodfield nhấn mạnh: “Sự pha trộn các kim loại nặng trong thuốc y học cổ truyền Trung Hoa là một vấn đề lớn đối với quốc tế, và có thể mang tới nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Tự nhiên không có nghĩa là an toàn. Để giúp chọn được loại thuốc thảo dược phù hợp, trước hết bạn hãy xem sản phẩm có được cấp phép lưu hành với số đăng ký in trên bao bì sản phẩm hay không”.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail, Telegraph)