Các nhà khoa học Mỹ đã thử nghiệm làm biến đổi gen của chuột, khiến những sinh vật này sống lâu thêm 20%. Thành tựu làm dấy lên hy vọng về công nghệ giúp kéo dài tuổi thọ của con người.


{keywords}

Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ đã tiến hành ức chế gen mTOR, vốn có vai trò cân bằng năng lượng và sự trao đổi chất, ở chuột. Cụ thể là, những con chuột thí nghiệm được biến đổi gen để chỉ sản sinh ra 25% lượng gen mTOR như thông thường. Theo lý giải, đây là mức tối thiểu để chuột có thể sống sót, và dù thấp hơn mức trung bình nhưng lượng gen mTOR như vậy vẫn được coi là bình thường.

Kết quả là, tính trung bình, tuổi thọ của các con chuột biến đổi gen đã tăng từ 22,9 tháng lên 28 tháng đối với con đực và từ 26,5 tháng lên 31,5 tháng đối với con cái. So với những con chuột khỏe mạnh bình thường, quá trình lão hóa ở chuột biến đổi gen mTOR nhìn chung cũng tiến triển theo chiều hướng có lợi hơn, nhưng ảnh hưởng tích cực xảy ra có chọn lọc, khác nhau ở các mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, các con chuột biến đổi gen tỏ ra vượt trội các cá thể cùng độ tuổi bình thường trong những bài kiểm tra về mê cung và sự cân bằng. Điều này ám chỉ, chúng có trí nhớ và sự điều phối tốt hơn, cũng như sở hữu sức mạnh cơ bắp và dáng điệu vượt trội hơn.

Tuy nhiên, những con chuột thí nghiệm lại bị suy giảm thể tích xương nhiều hơn trong quá trình lão hóa. Ngoài ra, chúng còn dễ bị mắc các nhiễm trùng khi về già hơn, hé lộ sự suy giảm nhanh hơn của chức năng miễn dịch.

Nhóm nghiên cứu nhận định, công trình của họ có thể được sử dụng để phát triển các liệu pháp chữa trị mới đối với những căn bệnh liên quan đến tuổi tác, vốn tấn công một số bộ phận nhất định trong cơ thể người, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.

Tiến sĩ Toren Finkel, một thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: "Mặc dù việc nâng cao tuổi thọ rất đáng chú ý, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cũng tái củng cố một khía cạnh quan trọng của lão hóa: quá trình này không diễn ra đồng bộ. Tương tự như nhịp sinh học, một sinh vật có thể sở hữu nhiều đồng hồ lão hóa cho từng cơ quan cụ thể, vốn đều góp phần điều khiển sự lão hóa của toàn bộ cơ thể".

Theo ông Finkel, giới khoa học cần tiến hành thêm nghiên cứu để nhận diện chính xác quá trình lão hóa ở các mô khác nhau đã được kết nối ở cấp độ phân tử như thế nào.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)