Các nhà khoa học vừa thiết lập một thời gian biểu mới cho giai đoạn khởi nguyên của nhà nước Ai Cập cổ đại.


{keywords}

Các cuộc đào bới khảo cổ học đã hé lộ nơi chôn cất các vị vua và nữ hoàng thuộc triều đại đầu tiên của Ai Cập, nhưng cho tới nay giới nghiên cứu vẫn khó đưa ra một thời gian biểu cụ thể cho giai đoạn khởi nguyên lịch sử nhà nước Ai Cập cổ. Ảnh: BBC

Cho đến nay, việc sắp xếp theo niên đại những ngày tháng khởi thủy của Ai Cập chủ yếu dựa vào các phỏng đoán mang tính tương đối. Do không có văn tự ghi chép từ thuở sơ khai này nên thời gian biểu cho sự ra đời của đất nước Ai Cập cổ căn cứ vào sự tiến hóa phong cách của nghệ thuật gốm được khai quật trong các địa điểm chôn cất người.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh mới đây đã sử dụng phương pháp xác định niên đại cácbon phóng xạ đối với tóc, xương và thực vật khai quật được cùng với bằng chứng khảo cổ đã có và các mô hình máy tính để xác định thời điểm nhà nước cổ đại bắt đầu được thành lập.

Các tài liệu trước đây cho rằng, thời kỳ tiền triều đại - khoảng thời gian khi các nhóm người đầu tiên bắt đầu định cư dọc sông Nile và làm ruộng - bắt đầu từ năm 4000 trước Công nguyên (TCN). Tuy nhiên, phân tích mới hé lộ, quá trình này bắt đầu muộn hơn, trong khoảng từ năm 3700 - 3600 TCN.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, chỉ vài trăm năm sau, vào khoảng năm 3100 TCN, xã hội Ai Cập chuyển biến thành nhà nước dưới quyền cai trị của một vị vua. Các chuyên gia khảo cổ tin rằng, vị vua đầu tiên của Ai Cập, Aha, lên nắm quyền sau khi một thủ lĩnh nổi lên khác, Narmer, hợp nhất bờ cõi.

{keywords}

Tảng đá Palermo có khắc tên các vị vua và nữ hoàng đầu tiên của Ai Cập. Ảnh: UCL

Nhóm nghiên cứu cũng đã có thể xác định khoảng thời gian trị vì của 7 vị vua và nữ hoàng tiếp theo - Djer, Djet, (nữ hoàng) Merneith, Den, Anedjib, Semerkhet và Qa'a - những người đã cùng với vua Aha tạo nên triều đại đầu tiên của Ai Cập.

Mô hình nghiên cứu trên máy tính nhận định, vua Djer có thể cai trị trong hơn 50 năm. Với một khoảng thời gian dài đến như vậy, nó làm dấy lên khả năng là có thể đã tồn tại một hoặc nhiều hơn các vị vua/nữ hoàng khác của Ai Cập, mà chúng ta chưa biết tới hoặc nhà nước có thể đã sụp đổ và được tái dựng lại.

Bình luận về nghiên cứu trên, giáo sư Joann Fletcher đến từ khoa khảo cổ học thuộc Đại học York (Anh), nói: "Đây là công trình rất đáng chú ý, kéo lùi thời điểm bắt đầu lịch sử triều đại của Ai Cập theo hướng tập trung rõ nét hơn nhiều. Việc có một thời gian biểu chính xác cho thời gian trị vì của những nhà cầm quyền đầu tiên của Ai Cập vô cùng có giá trị. Nghiên cứu cũng cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về các thời điểm chuyển giao quan trọng trong giai đoạn khởi nguyên của thời kỳ tiền triều đại".

Tuấn Anh (theo BBC, Daily Mail)