Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một kiểu dịch chuyển mới, kỳ lạ ở thực vật: các bào tử tí hon của cây mộc tặc (hay còn gọi là cỏ đuôi ngựa) có thể đi bộ và nhảy.
Philippe Marmottant, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Joseph Fourier ở Grenoble (Pháp), ban đầu kiểm tra các bào tử của cây mộc tặc dưới kính hiển vi và quan sát dịch chuyển của chúng.
Chỉ khi kết hợp kính hiển vi với một camera tốc độ cao, ông Marmottant mới phát hiện, bào tử của cây mộc tặc không chỉ cử động mà còn đi bộ và nhảy.
Kiểu chuyển động dị thường của các bào tử do 4 chân nhạy cảm độ ẩm điều khiển. Các chân như sợi đàn hồi này biến đổi hình dạng khi độ ẩm thay đổi. Cụ thể là, các chân của bào tử gập lại quanh thân chính khi trời ẩm ướt và duỗi ra khi thời tiết khô.
Việc chân cuộn xoắn và mở đã giúp bào tử của cây mộc tặc đi bộ và nảy lên khỏi mặt đất giống như côn trùng. Giới nghiên cứu chưa từng quan sát được cơ chế vận động như thế này ở bào tử của các loài thực vật khác.
Tuấn Anh (Theo BBC)