Các nhà cổ sinh học Peru vừa khai quật được hóa thạch 40 triệu năm tuổi của cá voi “đi bộ” trong sa mạc Ocucaje cách phía nam của thủ đô Lima (Peru) khoảng 310 km.
Đây là hóa thạch của một con cá voi thuộc nhóm Achaeocetes, lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Mỹ. Chân của nó tương tự như chân của tổ tiên sống trên đất liền.
Hóa thạch của cá voi có niên đại 40 triệu năm. Ảnh: Euronews.
Hóa thạch cho thấy một chuỗi các biến đổi tiến hóa thời kỳ giữa 52 và 40 triệu năm trước đã tạo ra cá voi ngày nay, sống trong các đại dương thay vì trên đất liền. Đây được cho là một trong những phát hiện rất quan trọng.
Trước đây, bằng chứng về động vật biển có vú cổ đại này chỉ được tìm thấy ở Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ và Bắc Mỹ.
50 triệu năm trước, tổ tiên của cá voi từ một loài động vật ăn tạp, 4 chân và có lông, đã phát triển thành một loạt các loài lưỡng cư. Theo thời gian, những con cá voi bị mất kết nối giữa xương sống và chân sau, sau đó dần dần mất hẳn chân sau.
Các nhà khoa học cho rằng, cá voi đã phát triển thành loài sống hoàn toàn dưới nước khoảng 45 triệu năm trước.
Cho đến nay, hơn 15 hóa thạch của cá voi đã được phát hiện trong sa mạc Ocucaje. Cesar Chacaltana, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Phần lớn các hóa thạch có thể nằm trên cát nhưng phải có thiết bị công nghệ cao mới xác định được vị trí để khai quật chúng.”
Hóa thạch được bảo quản nhờ mật độ oxy thấp làm chậm quá trình phân hủy do vi khuẩn gây ra.
Tháng 2 năm ngoái, các nhà khoa học đã xác định được vị trí hóa thạch của một con cá voi 3,6 triệu năm tuổi. Ước tính con cá voi nặng khoảng 500kg, dài 6m.
Năm 2008, các nhà khoa học còn tìm thấy bộ xương của một con cá nhà táng (thuộc loài Livyatan melvillei) 12 triệu năm tuổi.
(Theo Dân Việt)