Dù Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) khẳng định chưa cấp phép sử dụng các loại hóa chất làm chín trái cây, nhưng sản phẩm này vẫn được bán công khai trên thị trường.

Thuốc làm chín trái cây của Công ty TNHH Sinh học HPH chưa đăng ký qua Chi cục Bảo vệ thực vật bởi theo ông Giám đốc công ty, sản phẩm này thuộc nhóm... phân bón!

Mua bao nhiêu cũng có

“Anh lấy thuốc làm chín trái cây hả, bao nhiêu cũng có, thường người ta tới đây mua theo thùng (một thùng 30 chai, mỗi chai 500ml - PV)”. Nhân viên Công ty TNHH Sinh học HPH, có trụ sở trên đường Hà Huy Giáp, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM chào mời khi biết chúng tôi cần mua thuốc làm chín trái cây.

{keywords}
Các loại thuốc làm chín trái cây. Ảnh: dothi.

Nghe chúng tôi đang sở hữu một vựa lớn phân phối các loại trái cây từ Tiền Giang về TP.HCM, đang lo việc sử dụng thuốc sẽ bị cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra, người của công ty trên trấn an: “Khỏi lo, tôi bán ở Tiền Giang nhiều lắm. Sản phẩm được lưu hành chứ không phải không phép đâu”. Người này tư vấn cách dùng: với những loại trái cây có lớp vỏ dày, cứng như sầu riêng phải nhúng trái vô thuốc thật đậm đặc, nếu không trái sẽ thối. Ngoài tác dụng làm trái cây chín nhanh, chín đều, có màu sắc bắt mắt, thuốc còn có tác dụng chống sượng cho mít, xoài, sầu riêng...

Theo tìm hiểu, tại Công ty TNHH Sinh học HPH, ngoài loại thuốc làm chín trái cây nói trên, còn có thuốc giúp tẩy bề mặt, giúp trái cây sáng đẹp, chống nứt trái… Nhiều vựa trái cây hiện đang sử dụng các loại hóa chất này một cách tùy tiện. Tại một vựa sầu riêng ở thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk, chúng tôi ghi nhận, sau khi phân loại, làm sạch đất, nhân công ở đây xách cuống từng trái sầu riêng nhúng vào các thùng hóa chất.

Thường sầu riêng được thu hoạch theo hình thức gom trái chín rụng nhưng chủ vựa giải thích, với một lượng hàng lớn lên đến hàng trăm tấn mà đợi trái chín thì khó chủ động gom hàng, cứ xài thuốc là ổn (?). Trái sầu riêng sau khi được “tắm” thuốc sẽ được để trên sàn bật quạt cho khô trước khi đóng thùng vận chuyển. Quan sát quá trình pha thuốc, chúng tôi thấy có ít nhất ba loại hóa chất được pha trộn.

Ngoài loại chính là thuốc “Trái chín” của Công ty TNHH Sinh học HPH, còn hai loại khác, một đựng trong chai một lít, đặc sánh, là chất chống thối cho trái và một ở dạng bột màu vàng như nghệ, gọi là “phụ gia”. Theo lời những người dùng các loại thuốc chín trái, bất kể loại trái cây nào khi nhúng vào dung dịch này dù có vỏ mỏng như nho hay dày như sầu riêng cũng chín sau hai đến bốn ngày. Những loại trái cây thường xuyên được nhúng thuốc là: sầu riêng, thanh long, nhãn, mít, xoài, ổi, chôm chôm, chuối.

Chưa cấp phép

Một đầu mối kinh doanh trái cây tại TP.HCM cho biết, thuốc nhúng có nhiều nguồn gốc (Trung Quốc, Thái Lan và gần đây có cả hàng trong nước), nhưng hàng Trung Quốc có tác dụng “mạnh “ hơn. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN-PTNT khẳng định, cơ quan này chưa cấp phép lưu hành, kinh doanh bất kỳ một loại thuốc nào đăng ký dùng để ủ chín trái cây. Ông Hồng cho biết, theo quy định, thuốc làm trái chín thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng nên bắt buộc phải đăng ký tại Cục BVTV, nhưng cho đến nay cơ quan này chưa hề cấp phép loại thuốc làm chín trái.

Thành phần duy nhất trong thuốc chín trái được Công ty TNHH Sinh học HPH công bố là etylen (0, 5%) còn lại chỉ ghi chung chung “phụ gia ổn định”. Theo TS Chu Doãn Thành, nguyên Trưởng bộ môn Bảo quản, chế biến, Viện Nghiên cứu rau quả VN, etylen hiện vẫn chưa chính thức được sử dụng trong việc ủ chín trái cây ở nước ta. TS Thành cho biết thêm, trên thị trường từ lâu lưu hành loại thuốc “Hoa thúc chín tố” có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Thuốc có chứa những chất phụ gia đến nay chưa thể phân tích và đánh giá được tác hại đối với người sử dụng. “Với bất cứ một loại hóa chất nào dùng trong BVTV, thường có quy định thời hạn sử dụng trước khi thu hoạch. Với loại thuốc làm chín trái sau hai-bốn ngày, chất etylen trong đó có thể bay hơi, nhưng những loại “phụ gia ổn định” chưa biết là chất gì mới đáng lo ngại”, TS Thành nói.

Trao đổi với chúng tôi chiều 1/10, ông Trần Thanh Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sinh học HPH cho biết, công ty không đăng ký qua Chi cục BVTV vì sản phẩm này sử dụng thành phần chính là etylen (0,5%). Sản phẩm thuộc nhóm phân bón lá chứ không phải thuốc BVTV. Hỏi về những loại “phụ gia ổn định” kèm theo, ông Quang cho rằng đã đăng ký với cơ quan chức năng, ông không tiết lộ vì lý do… cạnh tranh(?)

Theo Phunu.net