Một nhóm các nhà khoa học tuyên bố đã phát hiện bằng chứng rõ ràng đầu tiên về việc một thiên thạch tấn công Trái đất ở Ai Cập.


{keywords}

Sau khi tiến hành hàng loạt phân tích, các nhà nghiên cứu xác định, một viên thạch anh đen bí ẩn được phát hiện cách đây vài năm ở sa mạc Ai Cập là một mảnh nhân thiên thạch. Đây là mẫu thiên thể đầu tiên dạng này từng được tìm thấy trên Trái đất.

Viên thạch anh đen được đặt tên là "Hypatia", nhằm tưởng nhớ nhà nữ toán học kiêm chuyên gia thiên văn học và triết gia cổ đại Hypatia của thành phố Alexandria, Ai Cập. Viên thạch anh đen còn găm rất nhiều hạt kim cương, càng củng cố nhận định của các nhà nghiên cứu về nguồn gốc thiên thạch của nó.

"Kim cương được sản sinh ra từ vật liệu chứa cacbon. Thông thường, chúng được hình thành sâu trong lòng Trái đất, nơi có áp suất rất cao, nhưng bạn cũng có thể tạo ra áp suất rất cao bằng va chạm. Một phần thiên thạch đã va chạm (với khí quyển Trái đất), dẫn tới sự hình thành các viên kim cương", chuyên gia Jan Kramers đến từ Đại học Johannesburg ở Nam Phi, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích.

Theo các nhà nghiên cứu, cuộc va chạm giữa thiên thạch và Trái đất xảy ra cách đây khoảng 28 triệu năm ở khu vực Ai Cập. Thiên thạch đã phát nổ trong khí quyển, hun nóng cát phía dưới tới nhiệt độ 2.000 độ C và sản sinh ra một lượng lớn thủy tinh silica vàng khắp diện tích gần 6.000 km2 của sa mạc Sahara.

Một mảnh thủy tinh silica thậm chí còn được sử dụng để trang trí trâm gài đầu của pharaoh Tutankhamen nổi tiếng của Ai Cập.

Các thiên thạch chắc chắn đã tập kích Trái đất nhiều lần trong lịch sử tồn tại của hành tinh chúng ta. Tuy nhiên, trước khi nguồn gốc của viên thạch anh Hypatia được khám phá, các hạt bụi tí hơn trong những tầng khí quyển bên trên và các hạt bụi giàu cácbon trong băng Nam cực là những vật liệu duy nhất của thiên thạch từng được biết đến trên Trái đất.

Các thiên thạch là những mảnh còn lại sau quá trình hình thành hệ mặt trời cách đây 4,5 tỉ năm, vì vậy phát hiện mới có thể tiềm ẩn nhiều ứng dụng khoa học có giá trị. "Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã tiêu tốn hàng tỉ đô la để thu thập vài microgram nguyên liệu thiên thạch và mang nó trở về Trái đất. Hiện chúng ta đã có một cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu vật liệu này, mà không cần tiêu tốn hàng đống tiền để thu thập chúng", ông Kramers nhấn mạnh.

Tuấn Anh (Theo Live Science, Space)