Những người thợ lặn Nga đã trục vớt được một khối thiên thạch nặng hơn 570kg từ hồ Chebarkul ở khu vực Urals của nước Nga. Các nhà khoa học cho rằng, đây có thể là “thủ phạm” khiến khoảng 1.600 người ở Chebarkul bị thương vào tháng 2 vừa qua.

Khối đá này lớn tới nỗi, nó đã bị vỡ thành ba phần trong quá trình trục vớt và làm hỏng chiếc cân các nhà khoa học sử dụng để cân nó khi chiếc cân chỉ 570 kg.

Theo RT, đây là mảnh thiên thạch lớn nhất các thợ lặn có thể trục vớt từ hồ Chebarkul. Các chuyên gia trả lời phỏng vấn BBC và RT khẳng định, khối đá này có nguồn gốc ngoài Trái đất. Các nhà khoa học sẽ phân tích hàm lượng khoáng chất của nó và đưa đến bảo tàng lịch sử tự nhiên của địa phương, vì vậy có lẽ nó sẽ sớm được trưng bày trước công chúng.

{keywords}

Lỗ hổng trong lớp băng bao phủ hồ Chebarkul do thiên thạch gây ra vào tháng 2/2013. Ảnh: Andrey Orlov.

Đây là một phần của nỗ lực đưa các mảnh thiên thạch lên bờ để nghiên cứu. Trước đó, các thợ lặn đã vớt được 12 khối đá nhưng các nhà khoa học khẳng định chỉ có năm trong số đó thực sự là thiên thạch.

Theo RT, ngày 15/2, khối thiên thạch có đường kính gần 15 mét, khối lượng khoảng 7.000 đến 10.000 tấn đã lao vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/giờ và phát nổ ở độ cao 19-24 km so với mặt đất, gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời các tỉnh Chelyabin, Tyumen, Kyrgan và Sverdlovsk, cũng như nhiều địa phương ven dãy núi Urals làm bị thương 1.600 người và gây thiệt hại 31 triệu USD.

Cuối cùng, nó đã rơi xuống hồ Chebarkul và để lại một lỗ hổng lớn trong lớp băng bao phủ mặt hồ.

Theo Dân Việt