- Đại học Dược HN, Hội đồng Khoa học, ngành Khoa học Vật liệu- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện HLKHCNVN) vừa phối hợp với Hội Nội khoa Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ Nano trong Y Dược học, bước đầu ứng dụng Nano Curcumin trong phòng và trị bệnh”.
Hội thảo do Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam đồng chủ trì.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, công nghệ nano tạo nên bước đột phá và cuộc cách mạng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Do các sản phẩm có kích thước nano dễ dàng xâm nhập vào mô, dịch cơ thể và tế bào. Với các dược chất ít tan công nghệ nano giúp tăng độ tan, tăng khả năng hấp thu, duy trì nồng độ cao trong máu, tăng hiệu quả điều trị, giảm liều lượng thuốc cho bệnh nhân, giảm độc tính, đặc biệt với các hoạt chất điều trị ung thư.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, việc lần đầu tiên ở nước ta ứng dụng thành công công nghệ Nano vào sản xuất dược đã đánh dấu bước khởi đầu hiệu quả cho mô hình hợp tác chuyển giao đề tài nghiên cứu giữa các nhà khoa học và nhà sản xuất.
Đồng thời, đây cũng là bước tiến của ngành hóa dược Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học vào trong thực tiễn cuộc sống.
Hiện các nghiên cứu và ứng dụng triển khai công nghệ nano nói chung và công nghệ nano nói riêng đang được thực hiện ở một số đơn vị nghiên cứu và triển khai, chủ yếu tập trung tại TP HCM và Hà Nội.
Điển hình là Phòng thí nghiệm công nghệ nano ĐH quốc gia TP HCM, Trung tâm nghiên cứu triển khai kỹ thuật cao, Khu công nghệ cao TP HCM, Viện Vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH KHTN Hà Nội và TP HCM, ĐH bách khoa Hà Nội và TP HCM.
Hải Yến