Một thiên thạch sao Hỏa được phát hiện tại sa mạc Sahara có niên đại khoảng 4,5 tỷ năm và có thể chứa những bí mật về sự sống từng tồn tại trên Hành tinh đỏ.

Thiên thạch được đặt tên NWA 7533 sau khi nó rơi xuống một khu vực trên sa mạc Sahara ở tây bắc châu Phi. Với niên đại khoảng 4,5 tỷ năm, nó được cho là mẫu đất đá lâu đời nhất từ sao Hỏa và chứa nhiều thông tin về nguồn gốc và tuổi của hành tinh này.

{keywords}
Thiên thạch NWA 7533 có nguồn gốc từ sao Hỏa với niên đại 4,5 tỷ năm.

Sử dụng phương pháp đo quang phổ học có thể xác định hàng nghìn vật chất khác nhau, các nhà khoa học đã phát hiện thấy thiên thạch NWA 7533 chứa nhiều dấu vết của kim loại, như iridium. Nó cũng có thấy dấu hiệu của các chất dễ bay hơi. Điều này có thể là bằng chứng nước tồn tại trong 100 triệu năm đầu tiên sau khi hình thành của sao Hỏa.

Thiên thạch NWA 7533 là một phần của tảng đá lớn từ sao Hỏa bay vào bầu khí quyển Trái đất và vỡ thành 5 mảnh. Một mảnh thiên thạch khác, có tên gọi là NWA 7034 ban đầu được xác định có niên đại khoảng 2,1 tỷ năm nhưng sau đó được xác định lại là 4,4 tỷ năm dựa trên những phân tích khoáng chất zircon.

Chất zircon trong thiên thạch có thể được hình thành qua quá trình tái tan chảy của lớp vỏ sao Hỏa trong thời kỳ sơ khai. Sự giống nhau của chúng với bề mặt và zircon trên Mặt trăng cho thấy lớp vỏ của hành tinh đỏ hình thành cùng thời kỳ với Trái đất và Mặt trăng.

Giáo sư Munir Humayan, thuộc trường đại học bang Florida (Mỹ), cho biết: “Từ trường ban đầu hình thành trên sao Hỏa đòi hỏi sự giải phóng nhanh chóng các hóa chất dễ bay hơi bên trong hành tinh này. Quá trình này giúp hình thành bầu khí quyển và thủy quyển (nước ở dưới và bên trên bề mặt của một hành tinh.”

Giống như Trái đất, sao Hỏa cũng có lõi trung tâm là kim loại sắt và nickel được bao quanh bởi những chất nhẹ hơn như silicat và lớp vỏ. Hành tinh đỏ có màu đặc trưng là do có sắt ôxy hóa tồn tại trên bề mặt của nó.

Hà Hương (Theo Daily Mail)