Dưới đây là 5 dịch bệnh đáng sợ nhất đã cướp đi rất nhiều sinh mạng trên toàn thế giới trong lịch sử phát triển của loài người.
Bệnh cúm
Virus cúm luôn biến đổi và có khả năng lây lan từ vật nuôi sang người. Các chủng virus cúm đã gây ra những dịch bệnh nguy hiểm nhất trong thời gian vừa qua cướp đi hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Một bệnh viện cấp cứu trong thời gian dịch cúm năm 1918 tại trại Funsston, Kansas. |
Trong lịch sử, năm 1918 đã xảy ra đại dịch cúm cướp đi sinh mạng khoảng 50 triệu đến 100 triệu người. Năm 2009 xảy ra đại dịch cúm lợn cũng làm chết hàng nghìn sinh mạng. Ngoài ra còn có bệnh cúm ở châu Á năm 1957, bệnh cúm ở Hồng Kông năm 1968.
Trong dịch cúm theo mùa, khoảng 15% dân số nhiễm bệnh do virus lây lan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh này xảy ra hằng năm nên dẫn đến tình trạng khoảng từ 3 triệu đến 5 triệu người bị cúm nặng và khoảng 250 nghìn đến 500 nghìn ca tử vong mỗi năm trên thế giới.
Bệnh SARS
SARS là chữ viết tắt của Hội chứng hô hấp cấp nặng, được gây ra bởi coronavirus SARS. Lần đầu tiên virus này nhiễm vào cơ thể người là vào cuối năm 2002 ở Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, nó lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường du lịch hàng không. Virus SARS đã lây nhiễm sang khoảng 8.000 người trên toàn thế giới, trong đó khoảng 800 người tử vong.
Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm coronavirus SARS đều phát triển bệnh viêm phổi. Virus lây lan qua sự tiếp xúc giữa người bị bệnh với người không bị bệnh. Việc truyền nhiễm được cho là qua chất dịch của bệnh nhân (đờm, nước mũi, nước bọt...) từ việc người bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây lan khi chạm vào những vật dính chất dịch đó. SARS cũng có thể lây lan rộng hơn trong không khí.
HIV/AIDS
HIV là từ viết tắt của loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Khi vào cơ thể người, loại virus này tấn công và phá vỡ hệ thống miễn dịch, dẫn đến tình trạng gọi là AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Nếu không có một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, những người bị AIDS còn dễ bị mắc phải những tổn thương khác, thường gây ra nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.
Virus lây lan qua máu, tinh dịch và chất dịch cơ thể khác. Hầu hết những người nhiễm virus HIV đều qua quan hệ tình dục hoặc chia sẻ thuốc tiêm với người bị nhiễm.
Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1980, HIV đã lây nhiễm sang 60 triệu người và khiến khoảng 30 triệu người tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng Bệnh (CDC), tại Hoa Kỳ, có khoảng 50 nghìn người bị nhiễm HIV mỗi năm. Vào cuối năm 2009, 1,1 triệu người sống chung với HIV. Ước tính có khoảng 18% những người bị bệnh này không biết họ bị nhiễm. Trên toàn thế giới, năm 2010, có khoảng 1,8 triệu trường hợp tử vong; năm 2011, có thêm khoảng 2,5 triệu trường hợp nhiễm HIV.
Bệnh sốt rét
Các ký sinh trùng gây bệnh sốt rét Plasmodium vào máu của người thông qua việc muỗi đốt và chúng đi đến gan. Cuối cùng chúng thoát khỏi gan để xâm nhập vào máu, gây nhiễm các tế bào hồng cầu, và phá vỡ việc cung cấp máu đến các cơ quan khác.
Các bệnh sốt rét do muỗi gây ra từ thời cổ đại đến nay vẫn tiếp tục trở thành vấn đề của toàn cầu. Theo WHO, ở nhiều nơi trên thế giới, loài ký sinh trùng của căn bệnh này đã kháng với một số loại thuốc chống sốt rét.
Trong năm 2010, ước tính có khoảng 219 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm và 660 nghìn người chết vì sốt rét. Căn bệnh này phổ biến ở các vùng nhiệt đới như châu Phi, châu Á và châu Mỹ, trong đó khoảng 90% bệnh xảy ra trong khu vực châu Phi.
Bệnh lao
Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Bệnh này được coi là “kẻ giết người” đứng thứ hai chỉ sau HIV/AIDS.
Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ tử vong do nhiễm lao đã giảm gần một nửa. Vào năm 2012, 8,6 triệu người bị nhiễm bệnh lao trong đó 1,3 triệu người chết. Hơn 95% các ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo WHO, mặc dù bệnh lao có thể chữa được, tuy nhiên điều đáng lo ngại của bệnh là chủng bệnh của nó có khả năng kháng hầu hết các thuốc đặc trị được phát hành rộng rãi ở tất cả các nước.
Khánh Hà (Theo Livescience)