Ở những nơi nghèo nhất trên thế giới, sự hài lòng về cuộc sống tăng lên cùng với sự giàu có của đất nước. Đáng ngạc nhiên là, điều tương tự dường như không xảy ra ở những quốc gia giàu hơn.
Thay vào đó, theo một nghiên cứu mới, sự hài lòng về cuộc sống đạt đỉnh ở những nước có GDP bình quân đầu người là 36.000 USD. Và điều bất ngờ là, chỉ số hạnh phúc này có xu hướng giảm xuống ở nước có GDP vượt qua ngưỡng đó.
"Khoảng cách về khát vọng này - sự khác biệt giữa thu nhập thực tế và thu nhập chúng ta mong muốn – đã ăn mòn mức độ hài lòng về cuộc sống. Nói một cách khác, những gì chúng ta mong muốn là một mục tiêu di động. Nó sẽ tiến xa hơn ở những quốc gia giàu có nhất, tạo ra hiện tượng giảm sút hạnh phúc ghi nhận được trong nghiên cứu của chúng tôi", chuyên gia kinh tế Eugenio Proto của Đại học Warwick, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Ông Proto và các cộng sự đã nghiên cứu dữ liệu từ Cuộc khảo sát các giá trị thế giới và các số liệu GDP. Họ phát hiện, ở những nước có GDP bình quân đầu người dưới 6.700 USD, người dân ít có khả năng bày tỏ sự hài lòng tối đa về cuộc sống hơn 12% so với những người sống ở các quốc gia có GDP bình quân đầu người là 18.000 USD.
Dẫu vậy, sự thay đổi về mức độ hài lòng về cuộc sống giữa các quốc gia có GDP bình quân đầu người trong khoảng 20.400 USD - 54.000 USD chỉ khác biệt 2%. Trong đó, đáng lưu ý là sự sụt giảm hài lòng về cuộc sống xuất hiện ở các nước có GDP bình quân đầu người cao hơn 36.000 USD.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tuyên bố, công trình của họ không ám chỉ, các nước nhất thiết phải dừng hoặc giảm mục tiêu theo đuổi sự thịnh vượng. Lí do là vì, mọi người thường bày tỏ mong muốn được sống ở một nước giàu có hơn, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với mức độ hài lòng về cuộc sống thấp hơn.
Tuấn Anh (Theo Discovery)